Thường Tín là một trong những huyện của TP. Hà Nội sớm được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đến nay, huyện đã có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có xã Hồng Vân đủ điều kiện trình TP. Hà Nội công nhận NTM kiểu mẫu. Nhiều xã tuy có điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng quyết tâm phấn đấu rút ngắn thời gian về đích NTM kiểu mẫu.
Đồng lòng thực hiện “Dân vận khéo”
Để xây dựng mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả, huyện Thường Tín tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận, phát động thi đua dân vận khéo gắn với các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực.
“Dân vận khéo” được coi là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công trong thực hiện xây dựng NTM. |
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” ra đời nhằm tập trung hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với tình hình địa phương, tham gia HTX sản xuất rau an toàn, phát triển kinh tế và vận động xây dựng mô hình trồng nấm.
Trên cơ sở này, nhiều tập thể, cá nhân đã có thêm điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập. Tại xã Hà Hồi, phát huy lợi thế địa phương vùng đất chuyên canh rau màu, lại gần chợ Vồi là chợ đầu mối tiêu thụ nông sản lớn ở phía Nam Hà Nội, Hội Nông dân xã đã triển khai mô hình “Dân vận khéo” vận động Nhân dân để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.
Trên diện tích canh tác 22 ha, những năm qua, HTX Rau an toàn Hà Hồi tập trung gieo trồng các loại rau theo hướng an toàn và tiêu chuẩn VietGAP. Với sự quan tâm của TP. Hà Nội và huyện Thường Tín, xã Hà Hồi đã đầu tư 38 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, hệ thống cấp nước sạch và hoàn thiện giao thông nội đồng phục vụ cho việc sản xuất.
HTX rau an toàn xã Hà Hồi hiện có 9 thành viên với diện tích sản xuất rau trên 22 ha, trong đó có 3 ha sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP, với sản lượng từ 15 - 20 tấn rau các loại/ngày. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, năm 2021, HTX rau an toàn xã Hà Hồi cũng đã đăng ký sản phẩm rau, mộc nhĩ, nấm sò các loại tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa sản phẩm của HTX bày bán tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trong huyện và TP. Hà Nội.
Năm 2021, HTX có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP gồm: Rau mồng tơi, rau xà lách, rau kinh giới, rau ngải cứu, rau muống, rau cải mơ, rau dền đỏ, rau dền xanh, rau ngót, nấm sò trắng.
Một điều thuận lợi là trên địa bàn xã Hà Hồi cũng đã xây dựng được Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Thường Tín. Điểm giới thiệu sản phẩm này sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản của xã Hà Hồi nói chung cũng như sản phẩm rau sạch của HTX xã Rau an toàn Hà Hồi nói riêng được giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng, cung cấp cho các bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích trên toàn huyện Thường Tín và TP. Hà Nội.
Các mô hình “Dân vận khéo” ngày càng thiết thực, hiệu quả
Hiện nay, tại Thường Tín, nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả trong việc động viên Nhân dân tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng dân cư, tiêu biểu như: Mô hình vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh tiến bộ trong việc tang của Tổ dân vận thôn Trần Phú, xã Minh Cường; mô hình giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc của Ủy ban MTTQ xã Tân Minh; mô hình khéo vận động công tác nhân đạo, từ thiện tại thị trấn Thường Tín.
Thường Tín là một trong những huyện của TP. Hà Nội sớm được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. |
Trong thi đua xây dựng NTM, đô thị văn minh có mô hình vận động Nhân dân đồng tình, hưởng ứng xây dựng công trình phúc lợi xã hội của Ban Công tác mặt trận cụm dân cư số 8, xã Tự Nhiên; mô hình tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia xây dựng NTM của Ủy ban MTTQ xã Vân Tảo... Phong trào thi đua “Dân vận khéo” lĩnh vực an ninh - quốc phòng thời gian qua cũng đã góp phần nâng cao ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho hay, để sớm hoàn thành tiêu chí huyện NTM nâng cao, thời gian tới, Thường Tín tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng 28/28 xã đạt chuẩn NTM. Phấn đấu xây dựng ít nhất 8 - 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2023. Những xã còn lại phấn đấu về đích NTM nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn năm 2024 - 2025 để đến đầu năm 2025, huyện sẽ về đích huyện NTM nâng cao.
Bên cạnh đó, huyện phấn đấu hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 - 72 triệu đồng/năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5 - 95%; hộ nghèo giảm theo chuẩn mới của TP so với năm 2022 là 52 hộ; tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 90%; thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” đạt 90%; số trường học đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 10 trường và trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là 16 trường.
“Các mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng trong nhiều lĩnh vực đã tác động tích cực đến đời sống, văn hóa ở khu dân cư, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy được tinh thần thi đua trong lao động sản xuất của nhân dân. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Thông qua đó đã nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác vận động nhân dân. Phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, xóm chuyển biến tích cực theo hướng sát cơ sở hơn; phương châm "trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân" đã và đang thực sự đi vào cuộc sống. Nội dung, chất lượng của các mô hình “Dân vận khéo” ngày càng thiết thực, hiệu quả, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng NTM văn minh, hiện đại”, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh nói.
Đoàn Huyền