Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đặt ra tiêu chí: xã nông thôn mới kiểu mẫu phải có ít nhất một mô hình thôn (xóm) nông thôn mới thông minh. Chính vì vậy, các địa phương tại thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng các thôn, xã hiện đại.
Thôn, xóm lên đời
Đến xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), ai ai cũng bất ngờ với mô hình “Làng nghề chế biến nông sản” thông minh tại thôn Thuận Quang. Đây là làng nghề kinh doanh, chế biến hành, tỏi với 195 hộ dân.
Tuy nhiên, thay vì sản xuất thủ công, người dân làng nghề đã đầu tư đồng bộ máy móc từ máy rửa, máy chiên, máy thái, máy trộn, máy vắt... Đến nay, 99% các hộ trong thôn đã trang bị hệ thống hút khói khi sấy hành, phi hành để hạn chế ảnh hưởng mùi đến xung quanh. Sản phẩm sau khi sấy được đưa lên giá, đóng gói theo định lượng và dán nhãn mác chuyên nghiệp. 100% các hộ ký hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường đô thị Gia Lâm để thu gom, vận chuyển rác thải trong ngày.
Thôn đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là “hành phi”, “khoai tây chiên” và “hành, tỏi sấy”. Các sản phẩm đều được gắn mã vạch để truy xuất nguồn gốc và được quảng bá, tiếp thị trên các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, tại thôn Thuận Quang còn có mô hình nông nghiệp thông minh trên diện tích 30 ha cam và ổi. Toàn bộ quy trình canh tác, tưới tiêu, cảnh báo dữ liệu đều được thực hiện thông qua hệ thống phần mềm tích hợp các thiết bị IOT, Blockchain, ứng dụng AI giám sát và điều khiển tự động hóa.
Cùng với đó, thôn còn lắp 16 camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính. Hệ thống trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể đều được hình thành trên nền tảng mạng zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin của địa phương. Đến nay, 100% nhân dân trong thôn đã sử dụng điện thoại thông minh và lắp camera cũng như lắp mạng internet.
Việc xây dựng thôn thông minh được coi là tiền đề quan trọng để xã Dương Xá sớm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025, tiến tới thành lập phường. Về định hướng lâu dài, xã còn phát triển mô hình rau sạch theo quy trình hiện đại của HTX Chử Tâm và một số mô hình khác để thành “Điểm du lịch Dương Xá” từ đó thu hút du khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP.
Còn tại thôn Phù Đổng 2 (xã phù Đổng, huyện Gia Lâm), thay vì đón nhận, tiếp cận thông tin của chính quyền địa phương qua loa phát thanh, thì nay người dân chủ động nắm bắt thông qua hệ thống mạng xã hội. Người dân cũng sử dụng các dịch vụ tiện ích như: thanh toán tiền điện, tiền nước, giao dịch ngân hàng… thông qua các aap.
Chính quyền địa phương thôn Phù Đổng 2 cũng hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người dân tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”,… và sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn…
Theo kết quả khảo sát của người dân trong thôn cho thấy, có 98% số hộ cho rằng xây dựng “Thôn thông minh” là cần thiết, 99,5% số hộ đồng tình xây dựng “Thôn thông minh”. Điều này khẳng định rằng người dân rất phấn khởi và hiểu rõ những giá trị mà nông thôn mới thông minh mang lại cho mình.
Chủ động chuyển đổi số
Phù Đổng và Dương Xá chỉ là 2 trong số những địa phương xây dựng nông thôn mới thông minh ở Hà Nội. Việc xây dựng thôn thông minh là điều kiện cần và đủ để tiến tới xây dựng các xã thông minh, giúp nông thôn ngày một văn minh, hiện đại, đời sống của người dân được nâng cao.
Để xây dựng được nông thôn thông minh, Hà Nội đang đẩy mạnh hỗ trợ người dân chuyển đổi số để đảm bảo: Phát triển chính quyền số, phát triển các chủ thể kinh tế số và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư.
Chuyển đổi số là một tiêu chí mới nên cần có thời gian thực hiện và tháo gỡ khó khăn. |
Trước đó, thành phố đã hỗ trợ nông dân minh bạch thông tin về nông sản và sản phẩm làng nghề thông qua quét mã QR. Đặc biệt, từ năm 2022, Hà Nội đã hỗ trợ, tập huấn cho nông dân, các chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) về bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm trên Facebook; thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP…
Còn hiện nay, thành phố đang xem xét để có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số.
Không trông chờ vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, người dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố luôn chủ động trong việc chuyển đổi số để sản xuất thông minh và chủ động nâng cao đời sống.
Như tại xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) đã có Tổ công nghệ số với 15 thành viên. Tổ này chia thành các nhóm đến hướng dẫn người dân kích hoạt Zalo, cài đặt ứng dụng VNeID; VssID; ví điện tử; sổ sức khỏe điện tử…
Còn tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh), phát huy vai trò của các bạn trẻ, xã đã có tổ thanh niên chủ động đến từng nhà hỗ trợ người dân sử dụng các thiết bị điện tử, các ứng dụng, thực hiện quyên góp điện thoại, máy tính cũ cho những hộ chưa có điều kiện để nhà nhà được tiếp cận công nghệ.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Có thể thấy, chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là một tiêu chí mới. Việc triển khai thực hiện tiêu chí này còn rất nhiều khó khăn do Nhà nước không có khung hướng dẫn cụ thể mà giao cho cấp tỉnh quy định (mỗi tỉnh, thành phố sẽ quy định riêng). Vậy nhưng, trên cơ sở Bộ tiêu chí thành phố đã ban hành, hiện nay các huyện, xã đã chủ động tiếp cận và triển khai thực hiện xây dựng mô hình thôn thông minh.
Trong đó, riêng chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, thành phố đã phối hợp với Liên hiệp HTX kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi cụ thể hàng năm nhằm thực hiện kinh tế số từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm.
Vì vậy, nhiều HTX trên địa bàn thành phố đã làm khá tốt điều này. Tiêu biểu như HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, HTX Nông nghiệp Khánh Phong, HTX chăn nuôi Hoàng Long… đều đang chuyển đổi số trong các khâu của quy trình sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả cao cho người dân, thành viên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây là một tiêu chí mới nên thành phố vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Và phải sau một thời gian nhất định mới có thể khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới.
Là một trong những HTX có số lượng thành viên lớn, việc ứng dụng công nghệ 4.0 tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh) cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, do có nhiều thành viên cao tuổi, việc sử dụng thiết bị di động, ứng dụng công nghệ để quản lý và sản xuất còn ít nhiều gặp khó khăn.
Còn tại HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp ong núi Ba Vì (huyện Ba Vì), hiện nay quy trình quản lý vẫn thông qua sổ sách. Sản phẩm mật ong của HTX đã được chứng nhận 4 sao OCOP nhưng vẫn gặp khó khăn trong hoàn thiện quy trình cấp mã truy xuất nguồn gốc.
Chính vì vậy, cùng với lắng nghe, tiếp thu những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai, UBND TP Hà Nội sẽ đưa ra những giải pháp tháo gỡ cụ thể nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong các HTX, nông dân, địa phương…
Minh Nhương