Chè dây Ra zéh của đồng bào Cơ Tu được biết đến rộng rãi vì những tác dụng tốt cho sức khỏe...
Nhiều hộ tại xã Tư đã tự trồng chè dây Ra zéh rồi chế biến, đóng gói bán ra thị trường (Ảnh: TL) |
Chè dây Ra zéh
Cây chè dây thường mọc xen kẽ dưới tán rừng, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng ở xã Tư, đặc biệt là các vùng đồi rừng tái sinh.
Nhiều hộ tại xã Tư đã tự trồng, chế biến, đóng gói bán ra thị trường cho thu nhập rất tốt và sử dụng làm nước uống hàng ngày.
Theo đó, chè dây Ra zéh vốn là cây bản địa của vùng nên rất dễ trồng, chỉ tốn chi phí đầu tư ban đầu, cây chè sẽ cho thu hoạch trong vòng nhiều năm sau đó. Còn phân bón thì tận dụng phân chuồng tự nhiên cùng với lá cây khô ủ thành phân vi sinh.
Bên cạnh đó, tiền thuốc bảo vệ thực vật cho loại cây này hầu như không có nên tiết kiệm được một phần chi phí rất lớn.
Chè dây Ra zéh từ lúc trồng đến lúc thu hoạch chỉ mất 7 - 8 tháng, năng suất bình quân gần 8 tấn/ha/năm, thu về khoảng 160 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với trồng mây, keo và các loại cây nông sản khác nên thu hồi vốn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với các tác dụng từ kháng viêm, lành vết loét, an thần, trị huyết áp cao... nên dần dần chè dây của đồng bào Cơ Tu đã từng bước bước ra thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng.
Năm 2016, nhận thấy triển vọng của cây chè dây Ra zéh, xã Tư đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn quy hoạch diện tích khoanh nuôi và cấp cây giống cho bà con giâm hom. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên cây giống chết nhiều.
Thành lập HTX nông nghiệp
Để khắc phục tình trạng trên, UBND xã Tư đã thành lập HTX Nông nghiệp xã Tư với mục đích tập huấn, chuyển giao kỹ thuật ươm giống, chăm sóc cho bà con Cơ Tu. Đến nay, cây chè dây đã sinh trưởng và phát triển tốt.
Sau khi đầu tư lại việc sản xuất chế biến, từ các khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX sẽ tiếp tục kiểm nghiệm và công bố sản phẩm đạt an toàn để đưa ra ngoài thị trường (Ảnh: TL) |
Ông Lê Duy Trường, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Tư, cho hay: “Trong thời gian tới, HTX sẽ đầu tư lại việc sản xuất và chế biến. Thứ nhất là cho đảm bảo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó là tiếp tục kiểm nghiệm và công bố sản phẩm đạt an toàn. Một số đơn vị như Công ty Dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam sẽ hợp tác để thu mua, chế biến các sản phẩm khác, như thuốc, dược liệu, cao chè dây… và sau đó sẽ xây dựng quy trình VietGAP. Cùng với đó, đề tài khoa học của tỉnh Quang Nam kết hợp với trường Đại học Nông lâm Huế đã giâm hom giống từ nguồn gốc tự nhiên của chè dây. Đến năm 2019 đề tài kết thúc, bàn giao lại kỹ thuật giâm hom lại cho HTX, HTX sẽ lấy nguồn gốc chính của chè dây trong tự nhiên tiếp tục dâm hom, để phát triển giống trên địa bàn xã Tư”.
Theo đó, xã định hướng chè dây Ra zéh sẽ là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cùng với trồng keo nguyên liệu. Hiện, xã Tư đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ quy hoạch 140ha để trồng cây chè dây Ra zéh dưới tán rừng, theo lộ trình đến năm 2020 sẽ có 100ha diện tích cây chè dây Ra zéh.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tư cho biết đây là mô hình tốt, đồng thời mong muốn có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và nhất là lãnh đạo tỉnh để quảng bá thương hiệu cho cơ sở.
Năm 2018, chè dây Za réh của HTX đã được xếp hạng là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Cùng với các dược liệu của miền núi xứ Quảng, chè dây Ra zéh một khi định hình được thương hiệu của mình sẽ là những đặc sản quý giá của Quảng Nam.
Đan Nam