Tại 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang có giống Bò vàng vùng cao, còn gọi là bò H'Mông được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Thịt bò Hà Giang” vào năm 2019.
Giá bán cao hơn thịt bò Úc
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết, với đặc điểm tự nhiên là vùng biên giới, vùng miền núi cao, địa hình chia cắt, nhưng Hà Giang có nhiều nông đặc sản. Trong đó, đàn bò thịt trên 115.000 con. Đặc biệt, tại 4 huyện vùng cao núi đá (Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn) có giống bò vàng thân hình cao to, đã gắn liền với lịch sử, văn hóa của người dân tộc H'Mông nơi đây. Bò Hà Giang gắn liền với phiên chợ bò - một điểm nhấn trên Cao nguyên đá Đồng Văn, cho du khách đến tham quan, du lịch.
Bò Hà Giang gắn liền với phiên chợ bò - một điểm nhấn trên Cao nguyên đá Đồng Văn, cho du khách đến tham quan, du lịch |
Thịt bò H'Mông có chất lượng thịt thơm ngon và đã được Bộ NN&PTNT bình chọn và đưa vào danh sách bảo tồn, được đánh giá không khác gì giống bò “Kobe” ở Nhật Bản, hơn hẳn các loại thịt bò ta, bò Úc, bò Mỹ trên thị trường. Tại thị trường Hà Nội, trong khi thịt bò Úc nhập khẩu hiện có giá bán 320.000 đồng/kg, các loại thịt bò ta 260.000-280.000 đồng/kg, thì thịt bò H'Mông lên tới 350.000 – 380.000 đồng/kg. Thịt bò Hà Giang không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được các thương lái Trung Quốc ưa thích và sẵn sàng trả giá cao hơn các loại thịt bò lai.
Để truy xuất nguồn gốc, nhằm bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm thịt bò, Sở NN&PTNT đã làm các thủ tục hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Hà Giang. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 1983/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Hà Giang trên phạm vi 6 huyện có sản phẩm thịt bò.
“Việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Thịt bò Hà Giang” là một bước đột phá, mở ra cơ hội lớn và là bước ngoặt cho người chăn nuôi, bởi đây là kết quả sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn phát triển giống bò địa phương. Chỉ dẫn địa lý chính là công cụ nhằm thỏa mãn các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, phương thức sản xuất trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chỉ dẫn địa lý sẽ bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi bò, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm thịt bò Hà Giang tham gia thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường thế giới”, ông Tiến nhấn mạnh.
Được biết đến nay, tỉnh Hà Giang đã có 6 nông đặc sản được Chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Trong đó, Chương trình CPRP – IFAD đã hỗ trợ xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho 3 sản phẩm: chè shan tuyết, mật ong bạc hà, thịt bò Hà Giang.
Chương trình CPRP – IFAD có tên đầy đủ là “Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang”, được Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ 20 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 9,492 triệu USD và 4,220 triệu USD từ vốn đóng góp của các bên hưởng lợi. UBND tỉnh Hà Giang là cơ quan chủ trì Chương trình, thời gian triển khai từ năm 2015 – 2020.
Cấp mã vạch đánh dấu xuất xứ
Bà Đào Thị Lan Anh, Giám đốc Ban điều phối Chương trình CPRP – IFAD cho hay, vùng “phủ sóng” của CPRP – IFAD trải rộng trên 30 xã thuộc 5 huyện của tỉnh Hà Giang. Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao thu nhập và giảm mức độ dễ bị tổn thương cho hộ nghèo nông thôn. Chương trình CPRP - IFAD gồm 3 hợp phần: Xây dựng năng lực phát triển định hướng thị trường; Đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp với người nghèo; Điều phối Chương trình. Rất nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh Hà Giang cùng tham gia triển khai CPRP – IFAD, bao gồm Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, Hội Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên tỉnh, Hội Nông dân tỉnh.
Không chỉ hỗ trợ thiết lập các chuỗi giá trị hàng nông sản, xây dựng các chỉ dẫn địa lý, Chương trình CPRP - IFAD còn đẩy mạnh sự hợp tác giữa các doanh nghiêp tư nhân, HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp với mục tiêu các bên cùng hưởng lợi bền vững trong môi trường kinh tế nông thôn mới của tỉnh theo định hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể với chuỗi giá trị bò, Chương trình đã hỗ trợ cho HTX Đại Dương đầu tư chế biến thịt bò, để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. |
HTX Đại Dương (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) được thành lập tháng 4/2016, với ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch và chế biến nông sản. Nắm bắt cơ hội hỗ trợ khuyến khích của tỉnh, thông qua những chính sách ưu đãi phát triển chăn nuôi bò và chăn nuôi ong lấy mật, anh Nguyễn Gia Hình - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cùng các thành viên đã quyết định xây dựng phương án sản xuất, tập trung vào chăn nuôi bò theo chuỗi giá trị.Không chỉ hỗ trợ thiết lập các chuỗi giá trị hàng nông sản, xây dựng các chỉ dẫn địa lý, Chương trình CPRP - IFAD còn đẩy mạnh sự hợp tác giữa các doanh nghiêp tư nhân, HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp với mục tiêu các bên cùng hưởng lợi bền vững trong môi trường kinh tế nông thôn mới của tỉnh theo định hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể với chuỗi giá trị bò, Chương trình đã hỗ trợ cho HTX Đại Dương đầu tư chế biến thịt bò, để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Để chế biến sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, HTX đã đầu tư mua máy sấy thịt bò khô, kèm máy hút chân không công nghiệp để sản xuất sản phẩm, đồng thời xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm mang thương hiệu thịt bò khô vùng cao. Đến nay, HTX đã được Sở KH&CN tiến hành thẩm định, cấp mã vạch đánh dấu xuất xứ.HTX lo dịch vụ đầu vào đồng thời bao tiêu đầu ra cho các hộ thành viên và các hộ dân cùng tham gia trên địa bàn. Dịch vụ đầu vào HTX đầu tư như: con giống, kỹ thuật chăn nuôi bò… HTX đầu tư bò giống cho nông dân, sau khi sinh sản và được nuôi đến tuổi xuất bán, HTX sẽ thu mua lại theo hợp đồng đã ký kết. HTX hỗ trợ các hộ xã viên mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển chăn nuôi đàn bò hàng hóa nhằm dần tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo cả về số lượng và chất lượng cho chế biến sản phẩm thịt bò khô vùng cao.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Giang cho hay, với vai trò là chủ trì quản lý chỉ dẫn địa lý, tới đây sẽ triển khai nhiều hoạt động để quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý hiệu quả. Cụ thể, sẽ giám sát và kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về chất lượng được thông qua trong toàn bộ hệ thống các nhà sản xuất và kinh doanh thịt bò Hà Giang, tiến hành trao quyền sử dụng, cấp mã vạch cho các nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm này.
Sở N&PTNT sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế đối với các hình thức chăn nuôi bò. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh tập trung nguồn lực để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cá nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và kinh doanh và bảo tồn giống bò vàng vùng cao với mục đích cốt lõi là nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Chu Khôi