Để nâng mức thu nhập bình quân đầu người - một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các xã trên địa bàn huyện Bình Lục đã tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực gắn với tiêu thụ nông sản.
Điểm sáng An Đổ
An Đổ đang là xã điểm về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Bình Lục, đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn vào năm 2020.
Bình Lục đang đẩy mạnh hoàn thiện cơ cấu tổ chức sản xuất để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (Ảnh BHN). |
Để hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất.
An Đổ hiện có 5 vùng trồng lúa, với tổng diện tích 180 ha. Nông dân trồng lúa được các HTX hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó giá trị hạt thóc tăng 1,3 - 2 lần so với sản xuất đại trà ngoài mô hình, ở cùng thời điểm.
Đặc biệt, các HTX trên địa bàn xã, điển hình là HTX nông nghiệp An Đổ, còn tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường liên kết, sản xuất theo hướng an toàn, tổ chức thực hiện mô hình mạ khay, máy cấy góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho nông dân.
Nhằm làm nổi bật tính kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới, chủ trương của xã An Đổ là tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa HTX, doanh nghiệp, nông dân để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với bao tiêu sản phẩm, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, xã An Đổ tiếp tục duy trì ngành nghề nông thôn như nghề rũa cưa, làm nón lá, mộc, nề, cơ khí… tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương.
Lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở xã chiếm tỷ lệ 30,1%, lao động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ lệ 26,9%. Số lao động qua đào tạo đạt 70,5%; số lao động có việc làm thường xuyên là hơn 4.800 người.
Nâng cao năng lực sản xuất
Từ thực tiễn ở An Đổ cho thấy, tổ chức sản xuất chính là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 77,3 triệu đồng, vượt yêu cầu tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Nông nghiệp, nông thôn huyện Bình Lục sẽ được thúc đẩy theo hướng phát triển nhanh và bền vững (Ảnh BHN). |
Ông Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết, trong giai đoạn 2010 – 2020, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện có nhiều kết quả khả quan, 18/18 xã về đích nông thôn mới, nhiều xã đang tiệm cận nông thôn mới kiểu mẫu. 100% các tuyến đường chính của huyện và các xã được cứng hóa, điện – đường – trường – trạm khang trang phục vụ tốt đời sống của người dân.
Kinh tế của huyện tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 50,9 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn xấp xỉ 2,7%.
Với quyết tâm xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2030, Bình Lục xác định tạo đột phá trên các lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với trọng tâm là thực hiện hiệu quả chủ trương tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch.
Đồng thời, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác (các đơn vị trực tiếp hoàn thiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất) để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp, tiến tới xây dựng khu công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và đô thị.
“Cơ cấu các ngành kinh tế của huyện đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nghề phi nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, để về đích nông thôn mới kiểu mẫu, điều tất yếu là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường, trong đó chú trọng đầu tư các sản phẩm chủ lực, trọng điểm, có thế mạnh. Đồng thời, khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, bền vững; tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ cao gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, ông Định nhấn mạnh.
Lệ Chi