HTX nông nghiệp đã hỗ trợ hộ nông dân nâng cao năng lực canh tranh, tiếp nhận tối đa các hỗ trợ của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ các liên kết với doanh nghiệp. HTX đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện an sinh xã hội nông thôn như giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội nông thôn.
Nhiều lợi thế
Tại Bắc Ninh, HTX chuyên ngành hiện có 66 HTX chiếm 10,9 % tổng số HTX nông nghiệp, trong đó HTX chuyên ngành trồng trọt là 22 HTX chiếm 33,3% tổng số HTX chuyên ngành, HTX chuyên ngành chăn nuôi là 17 HTX chiếm 25,8%, HTX chuyên ngành thủy sản là 27 HTX chiếm 40,9%.Trong hoạt động, HTX chuyên ngành đã có lợi thế so sánh và tính vượt trội so với HTX dịch vụ nông nghiệp.
Vốn bình quân HTX chuyên ngành năm 2014 là 889 triệu đồng/HTX, cao gấp 16,4 lần so với HTX dịch vụ nông nghiệp,trong đó vốn điều lệ bình quân/HTX năm 2014 là: 355 triệu đồng/HTX và cao gấp 13,1 lần, dẫn đến HTX có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh ngay từ khi mới thành lập.
Doanh thu bình quân HTX chuyên ngành năm 2014 đạt 1.530 triệu đồng, cao gấp 5,5 lần HTX dịch vụ nông nghiệp. Doanh thu HTX cao dẫn đến thu nhập bình quân lao động đạt 3,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 7,8 lần lao động HTX dịch vụ nông nghiệp và mức lương bình quân của giám đốc HTX chuyên ngành đạt 4,3 triệu đồng/tháng, cao gấp 8,1 lần giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp.
Trong quá trình phát triển HTX chuyên ngành, đã xuất hiện những HTX điển hình. Có thể kể HTX măng tây xanh – Thái Bảo - Gia Bình, với tổng số thành viên 9 người, số lao động thường xuyên là 15 người, tổng vốn là 2,5 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 1tỷ đồng, vốn huy động là 1,5 tỷ đồng. Sản phẩm sản xuất kinh doanh chủ yếu là măng tây xanh cung cấp cho siêu thị và các nhà hàng. Doanh thu năm 2014 đạt 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận 480 triệu đồng và thu nhập bình quân lao động 4,0 triệu đồng/tháng.
HTX chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh - Đông Thọ - Yên Phong với tổng số thành viên 14 người, lao động thường xuyên 27 người, tổng vốn 1,7 tỷ đồng,trong đó vốn điều lệ 900 triệu đồng. Sản phẩm kinh doanh chủ yếu là gà thịt và trứng gia cầm, doanh thu năm 2014 là 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận 650 triệu đồng, thu nhập bình quân lao động 4,2 triệu đồng/tháng.
HTX Thủy sản Trung Nghĩa – Trung Chính - Lương Tài với 7 thành viên, số lao động thường xuyên 14 người, tổng vốn 2,5 tỷ đồng,trong đó vốn điều lệ 1,22 tỷ đồng. Sản phẩm sản xuất kinh doanh chủ yếu là cá giống và cá thịt, doanh thu năm 2014 là 4,121 tỷ đồng, lợi nhuận 1,525 tỷ đồng , thu nhập bình quân lao động 4,5 triệu đồng/tháng.
![]() |
Đáp ứng nhu cầu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên là mục tiêu hoạt động của HTX
Đa dạng hơn nữa
Từ những lợi thế của từng loại hình HTX, trong giai đoạn 2015-2020 ở Bắc Ninh cần phát triển HTX chuyên ngành theo định hướng: Phát triển HTX chuyên ngành trồng trọt theo từng loại sản phẩm có lợi thế so sánh của Bắc Ninh như HTX sản xuất lúa nếp hàng hóa, HTX sản xuất rau an toàn, HTX sản xuất khoai tây, HTX sản xuất nấm, HTX măng tây xanh, HTX hoa - cây cảnh… loại mô hình này sẽ phát triển ở các huyện, thị trong tỉnh.
Phát triển HTX chuyên ngành chăn nuôi theo các mô hình như HTX chăn nuôi lợn thịt, HTX chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng, mô hình này phát triển ở các huyện Yên Phong, Tiên Du, Gia Bình, Thuận Thành. Phát triển HTX nuôi thả cá với sản phẩm là cá thịt, mô hình này phát triển ở các huyện Lương Tài, Gia Bình và Thuận Thành. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là các khu công nghiệp- đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Để phát triển nhanh và bền vững HTX chuyên ngành, cần thực hiện các giải pháp trọng tâm là: Thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo tiền đề hình thành các HTX chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; Phát triển HTX phải tuân thủ theo luật HTX năm 2012, bảo đảm nguyện tắc tự nguyện và đa dạng hóa thành viên. Tổ chức và hoạt động của HTX không giới hạn bởi địa giới hành chính; Phát triển HTX trên cơ sở khai thác tiềm lực của từng thành viên là chủ yếu, chính sách hỗ trợ khuyến khích của tỉnh Bắc Ninh là động lực thúc đẩy quan trọng.
HTX chuyên ngành được hình thành và phát triển theo các loại sản phẩm nông nghiệp với các mô hình khác nhau, nhưng mục tiêu hoạt động chung của HTX đều là: đáp ứng nhu cầu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho thành viên, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên. HTX muốn tồn tại và phát triển, trước hết phải khai thác có hiệu quả các yếu về nguồn nhân lực và nguồn tài chính hiện có trong HTX.
Quang Tuấn