HTX Nhung Lũy đang là một trong những điểm sáng trong khối kinh tế hợp tác tỉnh Bắc Kạn (Ảnh Tư liệu) |
Nhiều điển hình hay
Xuất phát điểm từ hộ kinh doanh, lên tổ hợp tác rồi chính thức “lên đời” HTX vào năm 2018, HTX Nhung Lũy (huyện Ba Bể) đang có một nền tảng khá vững vàng để phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh tại địa phương.
Sau hơn 2 năm phát triển, HTX có 14 thành viên, 60 hộ nông dân liên kết, tổ chức sản xuất trên tổng diện tích hơn 50 ha, trong đó, có 40 ha rừng và 10 ha quỹ đất sản xuất để trồng các loại cây dược liệu, rau an toàn…
Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đang đẩy mạnh chế biến sâu và phát triển nhãn hiệu hàng hóa. Điển hình phải kể đến sản phẩm lạp sườn được chế biến từ thịt lợn do chính thành viên HTX chăn nuôi.
Chị Đinh Tuyết Nhung – Giám đốc HTX cho biết, HTX đang có đàn lợn trên 300 con để đáp ứng nguồn nguyên liệu sạch và an toàn cho chế biến lạp sườn. Sản phẩm lạp sườn của HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, được đóng gói, hút chân không kỹ càng nên rất được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao.
Bên cạnh đó, HTX cũng đang có nhiều sản phẩm khác như chè giảo cổ lam, măng, miến, rau an toàn, hạt mác khén… Điển hình là giảo cổ lam, hiện HTX đang liên kết với nông dân và dự kiến nâng tổng diện tích lên 3 ha trong năm 2020. Chè giảo cổ lam của HTX đang có giá trên 1 triệu đồng/kg.
Các HTX sẽ được đẩy mạnh đầu tư, nâng cao vai trò (Ảnh TL) |
Một điển hình khác là HTX tinh dầu Fresh Oil (xã Hà Vị, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) chuyên trồng và sản xuất tinh dầu từ các loại cây dược liệu, hương liệu, cây gia vị như hồi, quế, gừng, sả, quýt, bạc hà...
Với quy trình sản xuất đều được khép kín, từ khi thu hoạch nguyên liệu đến khi có sản phẩm ra thị trường, mọi công đoạn đều được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hệ thống máy móc hiện đại còn giúp HTX tách chiết gần như triệt để tinh dầu, bảo môi trường và tiết kiệm chi phí, bã, lá cây, cành. Nguyên liệu sau khi tách chiết tinh dầu được sử dụng làm phân bón hữu cơ và một phần được xay nhỏ thành bột hương, hạn chế chất thải ra môi trường.
Với quy trình liên kết bền chặt, HTX hỗ trợ 100% giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm và thu mua theo giá cả thị trường cho người dân, từ đó tạo thêm nhiều nông dân tham gia vào HTX.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, HTX tinh dầu Fresh Oil đã nhanh chóng tiếp cận thị trường, đảm bảo được đầu ra ổn định. Các bộ phận văn phòng, kế toán, bộ phận tiếp cận thị trường, hai tổ sản xuất với 6 đại lý, nhà phân phối hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Vẫn còn những khó khăn
Theo thống kê, tính đến đầu năm 2020, tỉnh Bắc Kạn có 186 HTX, trong đó 118 HTX được đánh giá có hoạt động khá trở lên. Bắc Kạn có 101/122 xã, phường có ít nhất 1 HTX, thu nhập trung bình của thành viên, người lao động trong HTX đạt 3,8 triệu đồng/người/tháng. Đáng nói, 100% HTX tham gia các hoạt động cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị, điển hình như HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Hợp Thành, HTX Chè Mỹ Phương, HTX Dương Phong, HTX Nông nghiệp Tân Thành, HTX Trần Phú, HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Pác Nặm.
Những sản phẩm của các HTX ngày càng được nâng cao về sản lượng, chất lượng, đều có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc…Để có những chuyển biến tích cực hiện tại, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy các HTX, tổ hợp tác phát triển. Trong 2 năm 2018 và 2019, tỉnh có trên 30 HTX được hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, chuyển giao kỹ thuật.
Các chính sách hỗ trợ đến từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: Khuyến công của Sở Công Thương; hỗ trợ từ các Đề án, dự án của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh; nguồn từ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; nguồn xây dựng nông thôn mới; nguồn của Liên minh HTX Việt Nam, nguồn của địa phương…
Ngoài ra đã có 29 lượt HTX được vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Kạn để phát triển sản xuất với tổng số tiền 2,7 tỷ đồng.
Bên cạnh những HTX làm ăn khấm khá, đâu đó vẫn còn những HTX hoạt động yếu kém hoặc tạm dừng. Nguyên nhân các HTX hoạt động yếu kém hoặc phải dừng hoạt động do quy mô manh mún, nhỏ lẻ...Nhiều HTX chưa khai thác hết năng lực nội tại của các thành viên cả về vốn và cơ sở vật chất, chưa thiết lập được mối quan hệ tín dụng thường xuyên với các ngân hàng thương mại, do không đủ điều kiện thế chấp tài sản.
Đặc biệt có 90% HTX không có trụ sở, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu. Thiếu vốn đầu tư, việc đóng góp vốn bằng tiền mặt của thành viên còn hạn chế… Dẫn tới nhiều HTX rơi vào thế khó.
Trong bối cảnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng đang nỗ lực để hỗ trợ các HTX phát triển, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế. Bên cạnh những hỗ trợ của tỉnh và các Sở, ngành...bản thân các HTX, tổ hợp tác phải chủ động, tích cực phát triển sản xuất kinh doanh; chuyên môn hóa trong sản xuất; giữ vững thương hiệu sản phẩm…có như vậy khu vực kinh tế hợp tác, HTX mới phát triển bền vững được.
Hưng Nguyên