Theo báo cáo từ phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, HTX Tri Tôn được thành lập vào tháng 5/2016, như một kết quả tất yếu sau một thời gian dài THT sản xuất lúa Nhật do ông Nguyễn Thành An làm tổ trưởng đã giúp cho THT hoạt động hiệu quả.
Ra đời HTX để hoạt động hiệu quả
Ông Nguyễn Thành An, Phó Giám đốc HTX Vinacam Tri Tôn, chia sẻ: HTX ra đời với sự tham gia của các thành viên là các hộ nông dân và một số doanh nghiệp trên địa bàn với mục đích cùng nhau tạo ra sự liên kết để xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, thống nhất sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nhằm nâng tầm, xây thương hiệu cho lúa gạo Việt ra thị trường thế giới.
Tuy thời gian thành lập chưa lâu nhưng HTX đã có nhiều hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều thành viên tham gia và được các doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm hỗ trợ.
Với phương châm đảm bảo thu nhập cho từng thành viên, HTX đang dần khẳng định được tính ưu việt của mô hình HTX kiểu mới mà các thành viên mong muốn.
Đơn cử như trong quá trình hoạt động, HTX đã được công ty Vinacam cung ứng phân bón nhập khẩu chất lượng cao với giá thành ưu đãi cho từng thành viên của HTX khi đã tham gia, bên cạnh đó, công ty còn bao tiêu đầu ra cho sản phẩm với mức giá ổn định cho HTX.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động của mình, HTX còn được công ty TNHH Amda Việt Nam cung ứng giải pháp canh tác và sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.
HTX còn được công ty đảm bảo về dư lượng chất hóa học trong mỗi sản phẩm lúa gạo theo chuẩn quốc tế cho các thị trường khó tính.
Điểm quan trọng khi người dân ở huyện Tri Tôn tham gia vào HTX là không phải lo đầu ra và được mua phân bón theo giá đại lý cấp 1, bán ưu đãi nợ trong 4 tháng.
Họ còn được các kĩ sư dày dạn kinh nghiệm của công ty Amada Việt Nam hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành tới mức thấp nhất và tăng hiệu quả cao nhất.
![]() |
Sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn Organic trên cánh đồng mẫu lớn đang là đích đến của HTX Vinacam Tri Tôn
Hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu
Ông Nguyễn Quốc Kiên một thành viên HTX hồ hởi chia sẻ: tham gia HTX, chúng tôi được các doanh nghiệp hỗ trợ tối đa để xây dựng các cánh đồng mẫu lớn chất lượng cao, góp phần nâng tầm cho thương hiệu lúa gạo Việt.
Hiện nay, trong quá trình hoạt động của mình, HTX Vinacam Tri Tôn đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hơn 150 hộ nông dân trên toàn huyện Tri Tôn với dự kiến sản lượng khoảng 20.000 tấn, chủ yếu tập trung tại các xã Tân Tiến (huyện Tri Tôn), xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành và phần còn lại thuộc huyện Hòn Đất (Kiên Giang).
Ông Lâm Thành Kiệt, Chủ tịch HĐQT HTX Vinacam, khẳng định mục đích thành lập HTX không chỉ xây dựng được một hình mẫu lý tưởng về HTX mà còn tăng lợi nhuận cho các thành viên; qua đó hướng đến mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm hữu cơ theo chuẩn quốc tế.
Đối với những cánh đồng mẫu lớn nếu áp dụng thành công tiêu chuẩn Global Gap (có giấy chứng nhận), HTX sẽ mua với giá cao hơn 10 % so với các mô hình thông thường.
Trong quá trình chuyển đổi đến khi đạt chứng nhận Organic, HTX sẽ bao tiêu với mức giá bằng 150% so với mô hình thông thường.
“Xây dựng được vùng nguyên liệu kiểm soát chất lượng với quy trình sản xuất, chế biến đảm bảo VSATTP theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp nâng cao giá trị cho thương hiệu gạo Tri Tôn nói riêng và lúa gạo Việt Nam nói chung. Đó cũng là cách phát triển cánh đồng mẫu lớn một cách bền vững”, ông Kiệt khẳng định.
Trong vụ đông xuân 2016 - 2017, HTX xuống giống lúa Nhật DS1 với diện tích 2.000 ha trong phạm vi bao tiêu. HTX cũng trình phương án đề nghị UBND huyện Tri Tôn cho thuê 14 ha đất để phục vụ sản xuất lúa hữu cơ (Organic) tại khu rừng Tràm Bình Minh.
HTX sẽ từng bước nâng cao chất lượng canh tác từ mô hình GlobalGap 500 ha đang triển khai lên thành Organic theo tiêu chuẩn hữu cơ đã xác định trong thời gian tới.
Nguyễn Hiếu