10 năm về trước, Quảng Trị là địa phương có kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém và thiếu đồng bộ, tình hình phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế, đời sống nhân dân còn thấp.
Năm 2010, tại tỉnh Quảng Trị có 117 xã ở 8 huyện, thị xã tham gia xây dựng nông thôn mới, lúc ấy bình quân 1 xã mới đạt 3,6 tiêu chí.
Sau 10 năm xây dựng NTM, Quảng Trị đã huy động được 65.630 tỉ đồng |
Có thể nói, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, ở 117 xã cơ bản đã có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phù hợp, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với xây dựng đô thị văn minh, xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ, quốc phòng và an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên đáng kể, đến cuối năm 2018 tăng 2,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 12,03%. Đặc biệt, các tầng lớp nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đoàn kết, tương thân, tương ái, thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.
Đặc biệt, từ đầu năm 2019, Tỉnh ủy đã có chủ trương thực hiện “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới“, thành lập 8 tổ công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ làm Trưởng đoàn hàng tuần về với cơ sở, nhất là những nơi đạt tiêu chí còn thấp, nắm bắt tình hình thực tế ở địa phương, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Bên cạnh đó, kiểm tra, giám sát việc triển khai các cơ chế, chính sách, quản lý, điều hành, thực hiện quy chế dân chủ, huy động sức dân, đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các xã xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2020 có từ 6 đến 8 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn từ 68 đến 70 xã, có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện trắng xã đạt chuẩn, không còn xã đồng bằng dưới 16 tiêu chí và không còn xã miền núi dưới 8 tiêu chí.
Đến tháng 9/2019, Quảng Trị đã có 52/117 xã đạt chuẩn NTM; dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm từ 6-8 xã đạt chuẩn, 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh này phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM; 75% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí; phấn đấu đến năm 2030 có thêm 85% số xã đạt chuẩn NTM và có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Theo ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị : Bên cạnh sự nỗ lực đoàn kết, đồng sức đồng lòng, phát huy nội lực của chính quyền, nhân dân thì tỉnh Quảng Trị còn mong nhận thêm nhiều sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… để quá trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn mới.
Nhật Nam