Theo số liệu của Bộ TN&MT, trong năm 2015, trên cả nước có 1.674 xã và 11 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, tỷ lệ các đơn vị đạt tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) chỉ đạt 42,4%, đạt tỷ lệ thấp nhất trong bộ 19 tiêu chí về xây dựng NTM
Chưa chú trọng về môi trường
Theo đánh giá của Tổng cục môi tường (Bộ TN&MT), tỷ lệ các xã đạt đủ và đúng 5 chỉ tiêu của tiêu chí số 17 thực tế thấp hơn nhiều so với báo cáo.
Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực hạn chế, nên ở các địa phương thường chỉ chú trọng triển khai các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, chưa ưu tiên cho lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT).
Theo ông Hà Minh Họa - Chi cục Trưởng Chi cục BVMT tỉnh Bắc Ninh, ở nhiều địa phương, chính quyền chưa thật sự xem trọng công tác BVMT, do chưa có đơn vị chuyên trách.
Cụ thể, việc thu gom rác thải, xử lý rác thải về cơ bản chủ yếu vẫn là phương pháp thủ công truyền thống bằng hình thức chôn lấp, đốt trực tiếp, mà thiếu đi một hệ thống xử lý. Trong khi đó, nước thải từ các khu chăn nuôi tập trung, nhất là các cơ sở sản xuất TTCN, từ các làng nghề đa phần đều không qua xử lý mà đổ trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Liên quan đến việc xử lý chất thải rắn ở nông thôn hiện nay, ông Họa tỏ rõ sự quan ngại với các phương pháp xử lý rác thải, bởi vì việc xử lý được ô nhiễm nơi này, nhưng lại phát tán gây ô nhiễm nơi khác. “Đơn cử việc đốt rác, có thể giải quyết ngay được về khối lượng, nhưng lại nhả ra môi trường một lượng lớn dioxin, trong khi việc chôn lấp không chỉ ngốn một lượng lớn quỹ đất và còn ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước ngầm”, ông Họa nhấn mạnh.
![]() |
Xây dựng NTM cần gắn liền với BVMT
Những nút thắt cần gỡ bỏ
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thành Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chỉ rõ có bốn vấn đề chính hiện nay cần được gải quyết triệt để và nâng cao tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM thời gian tới.
Đó là: Môi trường hiện đang là vấn đề quan trọng và đây chính là tiêu chí khó thực hiện nhất trong 19 tiêu chí, do đó, chính quyền và nhân dân ở các địa phương cần nâng cao nhận thức, trên cơ sở đó cần tìm ra những mô hình áp dụng xử lý môi trường một cách phù hợp, hiệu quả nhất, đặc biệt là phải tìm ra được nguồn lực, cơ chế để duy trì hoạt động lâu dài và bền vững.
Phải tìm ra được mô hình, công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng, nên chú trọng tới việc xã hội hóa, để từ đó đưa ra những cơ chế kịp thời cũng như phát huy tối đa vai trò, ý thức của người dân trong quá trình thực hiện
Phải xác định được lộ trình rõ ràng để có những bước đi cụ thể, phù hợp với khả năng của người dân cũng như nguồn lực, tình hình kinh tế của DN cũng như chính quyền địa phương
“Thời gian tới, Bộ NT&PTNT sẽ phối hợp với Bộ TN&MT để đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp mới, để hướng tới mục tiêu bền vững về môi trường gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM”, ông Trần Thành Nam khẳng định.
Thiết nghĩ, vấn đề ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay đang ở mức báo động, trong khi hầu hết chính quyền địa phương đang bế tắc loay hoay tìm “lời giải”, thì cần phải gắn liền vấn đề chống ô nhiễm môi trường vào Chương trình mục tiêu quốc gia. Có như vậy mới có sự vào cuộc một cách quyết liệt, kịp thời của các bộ, ban nghành liên quan, của chính quyền địa phương và quan trọng nhất là từ chính người dân.
Nguyễn Hiếu