Vùng đất Gò Nổi thuộc 3 xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong được bao bọc bởi 2 nhánh sông trước và sau của con sông Thu Bồn quanh năm được bao đắp bởi phù sa. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào, quỹ đất rộng lớn cũng là điều kiện thuận lợi cho nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển.
Tuy nhiên, do sự cạnh tranh của thị trường tơ thế giới, trong khi khâu chuyển giao khoa học công nghệ chưa được chú trọng nên năng suất dâu tằm thấp, giá không ổn định. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Gò Nổi rơi vào tình trạng kém hiệu quả, thiếu bền vững.
Khôi phục nghề
Năm 2017, nhận thấy giá trị từ những cây dâu tằm, chính quyền huyện Điện Bàn đã có chủ trương khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm theo hướng khoa học nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội. Đây cũng là cách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Là một trong những đơn vị vẫn duy trì diện tích trồng dâu lớn, HTX Điện Quang nhận được sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo địa phương trong thực hiện dự án khôi phục vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm.
![]() |
HTX đã khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm theo hướng khoa học |
HTX đã liên kết cùng CTCP Tơ lụa Hội An với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu lên đến 500 ha. Cuối năm 2018, HTX bắt tay vào sản xuất với 5 ha trên địa bàn xã Điện Quang.
Để tạo nền tảng cho phát triển bền vững, HTX đã quy hoạch vùng dâu riêng, không xen kẽ với các loại cây trồng khác như lúa, rau màu, thuốc lá... HTX hỗ trợ làm giếng bơm, kéo điện bơm nước trồng dâu. Mỗi sào đất trồng dâu, các thành viên được hỗ trợ tiền giống và 20 kg phân hữu cơ.
Giống dâu lai GQ2, S7CV được nhập từ Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương là giống dâu cho năng suất cao (25 - 35 tấn lá/ha), lá to, dày, có thể trồng quanh năm, hệ số nhân giống cao… Bên cạnh đó, những giống tằm lưỡng hệ kén trắng với năng suất đạt 18 - 20 kg kén/vòng trứng… cũng được thay thế cho những giống tằm cũ.
Về quy trình kỹ thuật, ngoài việc tổ chức để các thành viên tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng, HTX còn phổ biến nuôi tằm con tập trung và nuôi tằm lớn trên nền nhà; sử dụng né gỗ để tằm làm tổ và dùng máy (bàn) gỡ kén… Nhờ vậy, hiệu quả tăng 50 - 65% so với trước đây.
Hiện, HTX đang cùng cán bộ địa phương xây dựng cơ chế hỗ trợ người nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ đó, diện tích dâu đã được mở rộng lên 20 ha.
Sản phẩm kén tằm của HTX hiện có giá 110 - 140 nghìn đồng/kg, mang về thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha/năm; sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 110 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, sự liên kết với doanh nghiệp không chỉ xây dựng thành công chuỗi giá trị sản xuất mà còn thể hiện triển vọng phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm trên hàng trăm héc ta.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Điều mà HTX vững niềm tin chính là sự đồng thuận của các thành viên, nhất là về phía chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho HTX phát triển sản xuất và đi cùng với đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng đạt tiêu chuẩn để sản xuất tằm giống, cung cấp cho người dân.
So với canh tác hoa màu, trồng dâu không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn gắn với môi trường vì HTX không dùng thuốc trừ sâu. Chưa kể, cây dâu có tác dụng lớn trong bảo vệ đất đai. Mỗi mùa lũ lụt, cây dâu nằm xuống ôm đất và tích lũy phù sa, ngăn sạt lở, hơn hẳn việc trồng sắn dễ gây thoái hóa đất mà năng suất mỗi năm lại giảm xuống trông thấy.
Vài năm trở lại đây, thiên tai mưa lũ, hạn hán đã gây thiệt hại không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, những vạt dâu tằm xanh mướt mà HTX trồng là minh chứng cho mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Hiện, CTCP Tơ lụa Hội An đang tích cực cùng HTX thực hiện sản xuất gắn với phát triển du lịch khi gắn Hội An và Gò Nổi thành 2 điểm đến hấp dẫn du khách. Đây là tín hiệu rất khả quan cho nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở địa phương.
Sự phát triển của HTX Điện Quang hôm nay đã cho thấy vai trò quan trọng của mối liên kết 4 nhà. Quan trọng hơn, sự phát triển của HTX đã đem lại thu nhập tốt hơn, bảo đảm cuộc sống ổn định cho các thành viên đi đôi với bảo vệ môi trường nông thôn. Đây cũng là tiền đề thu hút được lao động nông thôn tham gia mô hình sản xuất của HTX.
Ngọc Thọ