Việt Nam là một quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào, tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình hạn hán, khan hiếm nước diễn ra ngày một trầm trọng và đáng báo động.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa sử dụng, quản lý và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đây cũng là nội dung được đề cập đến trong buổi toạ đàm: “Giải pháp của Israel cho một thế giới khát nước”, diễn ra tại Hà Nội ngày 26/8.
Nhiều tiềm năng, nhiều bất cập
Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Để đạt được những thành tựu trên không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tài nguyên nước.
Hiện nay, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở hai vùng ĐBSH và ĐBSCL là lớn nhất, chiếm 70% lượng nước sử dụng. Nước đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng các sản phẩm cây công nghiệp như chè, cà phê, hồ tiêu, mía đường, cao su…
Nước có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng. Tiềm năng thủy điện của Việt Nam là rất lớn, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Hồng và sông Đồng Nai.
Năm 2010, thủy điện đã đóng góp 40% tổng sản lượng điện toàn quốc. Dự báo đến năm 2025, tổng công suất điện sẽ là 33.310 MW, trong đó, 80% là từ các nhà máy thủy điện được xây dựng trên các sông của Việt Nam.
Ông Đồng Văn Tự - Vụ trưởng Vụ quản lý công trình - Tổng cục Thủy lợi, cho biết: “Sau 71 năm phát triển, ngành thủy lợi đã thành lập hơn 900 hệ thống thủy lợi, bao gồm 8.800 hồ chứa thủy điện với dung tích 64 tỷ m3 nước, nguồn tài nguyên nước đủ để phục vụ 3,52 triệu ha/năm".
"Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng hạn hán, hiện tượng Elnino xảy ra làm 11 tỉnh ĐBSCL và 4 tỉnh Tây Nguyên lâm vào tình trạng khô hạn nặng. Đến nay, tổng công suất thiết kế của các nhà máy nước ở các khu vực đô thị đạt 5,5 triệu m3/ngày, nhưng mới chỉ đáp ứng được 65 - 70% nhu cầu sử dụng nước. Đối với khu vực nông thôn, đến nay đã có 62% dân nông thôn được cấp nước, nhưng xét theo tiêu chuẩn nước sạch thì chỉ có 30% đạt yêu cầu”, ông Đồng Văn Tự cho biết.
![]() |
Công nghệ tưới nhỏ giọt Israel đang được triển khai tại Việt Nam
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thủy văn và tài nguyên nước - ông Hoàng Minh Tuyền, cho biết: “Hàng năm, tổng lượng nước mưa trung bình của Việt Nam là 1.960 mm/năm, lượng nước trong dòng chảy sông là 835km3, tổng cộng nguồn tài nguyên nước tự nhiên của nước ta là 9.000 m3/năm. Thế nhưng, Việt Nam đang lâm vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Bên cạnh nguyên nhân do biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu thì việc quản lý và sử dụng chưa hiệu quả nguồn tài nguyên nước là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt và nước sạch hiện nay…”.
Con đường thoát hạn?
Tại buổi toạ đàm, PGs.Ts. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, cho biết: Cách đây 70 năm, Israel rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, ngay đến cây oliu và xương rồng là bạn của vùng đất khô cằn cũng không sống được.
Không giống như Việt Nam, Israel không sở hữu nguồn tài nguyên nước dồi dào và hệ thống kênh rạch phong phú, lại có đến 60% diện tích là hoang mạc, nhưng với ý thức của người dân, việc quản lý hiệu quả, nên Israel đã trở thành một cường quốc về nước, khiến sa mạc biết nở hoa và biến nước trở thành đòn bẩy ngoại giao, kinh tế mạnh mẽ.
“Ngay trong suy nghĩ, người dân Israel luôn có ý thức bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm. Tại trường học, các em được dạy việc sử dụng nước sao cho tiết kiệm nhất như cách đánh răng, rửa tay… Ngoài ra, nước còn liên tục xuất hiện trong các điệu múa dân gian, trong văn chương và được vinh danh trên đồng tiền của Israel”, bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel tại Việt Nam, cho biết.
Bên cạnh đó, nếu như Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tiến hành tưới ngập, tưới phun trong nông nghiệp thì công nghệ nhỏ giọt - một bước tiến quan trọng giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp của đất nước Israel được sử dụng rộng rãi và phổ biến. Ứng dụng này không chỉ tiết kiệm 70% lượng nước mà còn làm năng suất cây trồng tăng 40% so với tưới ngập, tưới phun và giúp thu hoạch tăng 550% đối với tưới tiêu trên cánh đồng mở.
Nước thải với Israel (bao gồm mọi nguồn nước từ bệ rửa, vòi tắm, bồn tắm hay cả bồn cầu…) không phải là một nguồn gây ô nhiễm, mà là một kho báu quốc gia.
“Tại Israel, nước thải được xử lý qua 3 giai đoạn: lọc các chất hữu cơ rắn, bán rắn, lọc các chất hữu cơ còn lại sử dụng vi khuẩn ăn cặn bã và cuối cùng là tẩy uế bằng Chlorine, tia tử ngoại trước khi xả an toàn. Nhờ nước thải mà nền nông nghiệp của Israel đã được cứu vớt, ô nhiễm đã giảm đi, các dòng sông đã sạch hơn và bớt phụ thuộc vào sự bất định của nước mưa”, bà Meirav Eilon Shahar cho biết.
Nhờ những ứng dụng KH-CN và việc quản lý chặt chẽ, có hiệu quả trong việc sử dụng nước khiến Israel không chỉ tự chủ trong nước sạch mà còn dư thừa để xuất khẩu sang Trung Đông.
Những công nghệ nước của Israel không những tạo điều kiện cho quốc gia này có một nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới mà còn được ứng dụng tại nhiều các quốc gia đang phát triển gặp vấn đề nước, trong đó có Việt Nam.
Như Yến