Trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM, xã Yên Phú đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp với những mô hình kinh tế mới, hiệu quả. Xã đã tập trung vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường đầu ra cho sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Quy hoạch phân vùng sản xuất
Hiện, xã đã quy hoạch phân vùng sản xuất rõ rệt, gồm: Vùng sản xuất lúa Chiêm hương 145 ha, ổn định 50 ha luân canh 3 vụ trên diện tích đất màu bãi, 145 ha ngô đông trên đất 2 vụ lúa. Đồng thời, hình thành các mô hình nông nghiệp như: Mô hình VAC, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, trâu hàng hóa, nuôi cá lồng…
Đồng thời, huyện tiến hành xây dựng mô hình kinh tế mới và hiệu quả, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất.
Tiêu biểu là địa phương đã hình thành và phát triển mô hình trồng hành lá xuất khẩu của HTX Dịch vụ Phú Đạt và mô hình trồng húng quế của THT Mạnh Cường đã tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động có thu nhập 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, người dân có kinh nghiệm sản xuất, có thị trường tiêu thụ, giá thành cạnh tranh, đặc biệt là gắn với hoạt động sinh kế của đa số người dân trong xã.
Trong chăn nuôi, xã đã phát triển và duy trì 4 mô hình trâu, bò mỗi mô hình trên 10 con, 5 mô hình chăn nuôi lợn nái 15 con/hộ và 5 mô hình chăn nuôi lợn kết hợp 5 lợn nái và 50 lợn thịt, 3 cơ sở chăn nuôi thỏ quy mô từ 100 con trở lên.
Quá trình triển khai các biện pháp xây dựng NTM, huyện đã ưu tiên đầu tư trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp với việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiêu biểu là cánh đồng lúa một giống Chiêm hương ở xã An Thịnh, diện tích 100 ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất lúa vụ xuân đạt 51,2 tạ/ha, sản lượng đạt 512 tấn.
Vùng sản xuất chè của xã Yên Hợp
Hình thành các mô hình liên kết
Mô hình trồng khoai tây vụ đông thực hiện 20 ha; trong đó: xã Yên Hợp 15 ha, Tân Hợp 2,5 ha, thị trấn Mậu A 2 ha và xã Nà Hẩu 0,5 ha, năng suất trung bình đạt 120 tạ/ha, sản lượng 240 tấn, hiệu quả kinh tế đạt gần 60 triệu đồng/ha. Đề án trồng măng tre Bát độ với diện tích đã trồng mới 58,7 ha.
Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, qua đó, triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất, cụ thể: dự án trồng gừng với diện tích 13 ha; dự án trồng hành lá xuất khẩu với diện tích đã trồng 5 ha, năng suất trung bình 119 tạ/ha; mô hình trồng húng quế với hình thức sản xuất THT, đã trồng 5 ha.
Hiện nay, các loại cây trồng này đều sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho nhân dân. Trong chăn nuôi, huyện đã tập trung phát triển theo hướng hiệu quả kinh tế và bền vững; hỗ trợ và khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng chăn nuôi gia trại, trang trại gắn với ứng dụng tiến bộ KH-KT.
Ông Vũ Quang Hải - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, cho biết: “Trong xây dựng NTM, huyện ưu tiên vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp gắn với phát huy lợi thế từng vùng; đồng thời, triển khai các đề án trồng trọt và chăn nuôi với các loại cây, con giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Với việc phát triển nông lâm nghiệp, hình thành các mô hình liên kết sản xuất, huyện Văn Yên nói chung và các xã NTM nói riêng đã thực sự có những thay đổi toàn diện từ hình thức tổ chức sản xuất, tư duy, phương thức sản xuất, đặc biệt hình thành các mô hình sản xuất mới hiệu quả, góp phần tích cực phát triển Kt-XH, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu Nhài