Ông Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Thái Sơn, cho biết hiện nay, địa bàn xã Thái Sơn vẫn còn 27 lò gạch thủ công đang hoạt động ngay trong khu dân cư. Các lò gạch này thải ra môi trường lượng khí thải độc hại. Nhiều người dân đã mắc các bệnh hô hấp, khó thở, đau đầu, tức ngực…
Ảnh hưởng đến cuộc sống
Hiện nay, các lò gạch trên địa bàn xã Thái Sơn hoạt động chủ yếu theo hình thức thủ công nên việc đốt lò bằng than, củi vẫn diễn ra. Mỗi lò gạch có đến hơn 20 nhân công làm các công việc như: làm đất, ra lò, xếp gạch vào lò, phơi gạch, đóng than… Đến giai đoạn nung gạch, khói bay mù mịt, ô nhiễm môi trường, người dân ở xung quanh đều không chịu nổi. Nhất là vào mùa đông, thời tiết hanh khô, mùi khói lò vô cùng khó chịu, khiến người dân càng cảm thấy ngột ngạt.
Theo quy định, lò gạch phải được xây dựng cách xa các hộ dân cư ít nhất là 200m. Nhưng ở đây, các lò gạch nằm ngay bên cạnh nhà ở của người dân và trường tiểu học. Thậm chí, nhiều gia đình còn xây lò ngay trong sân nhà mình.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (thôn An Thạch 2) cho biết: “Mỗi lần đốt là khói mù mịt hết lên. Đến giờ thì người nào cũng bị bệnh hết. Nhiều người chết vì ung thư, có người chết vì ngạt khói. Cách đây vài năm, tôi đã làm đơn gửi lên tỉnh, nhưng cũng chẳng đâu vào đâu cả”.
Bên cạnh đó, khói bụi từ các lò gạch trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân. Những cây xanh xung quanh các lò gạch đã bị táp hết lá. Nhiều cây, nhất là các cây ăn quả lâu năm của các hộ gia đình gần đó, đều không có khả năng ra quả, hoặc có ra hoa cũng bị rụng hết bởi khói lò gạch. Rừng ở đây cũng đang trong tình trạng “đất trống đồi núi trọc” vì cây xanh bị chết gần hết do khói độc của các lò gạch liên tục thải ra từ hàng chục năm nay.
Việc sử dụng than, củi để đốt lò đã gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Khói bụi từ các lò gạch sẽ thải ra môi trường hàng loạt khí độc hại, như: lưu huỳnh đioxit (SO2), lưu huỳnh trioxit (SO3), cacbon đioxit (CO2), cacbon monoxit (CO), nitơ oxit (NO) rất nguy hiểm cho sức khỏe, môi trường sống.
![]() |
Lò gạch thủ công tại xã Thái Sơn
Chính quyền nói gì?
Ngoài ra, trong khói lò gạch còn tạo ra những hợp chất hữu cơ độc hại khác, có khả năng gây tử vong, như metan (CH4), benzen và các hợp chất hữu cơ rất độc hại và có khả năng gây ung thư... Cùng với đó, hàng chục ha đất nông nghiệp bị biến thành ao hồ do người dân lấy đất để làm gạch.
Ông Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết: “Sự chỉ đạo của tỉnh là đến năm 2015 phải giải quyết xong các lò gạch thủ công. Nhưng hiện tại, các lò gạch đang tạo việc làm cho hơn 800 lao động tại địa phương, nên chúng tôi xin gia hạn để giải quyết hợp lý vấn đề này, sao cho vẫn bảo đảm được thu nhập của người dân và giảm đến mức thấp nhất vấn đề ô nhiễm môi trường”.
Tỉnh Tuyên Quang đã không cấp phép xây dựng, đầu tư cho bất kỳ lò gạch thủ công, lò gạch cải tiến nào và yêu cầu các hộ có lò gạch gần hoặc nằm trong khu dân cư phải chấm dứt hoạt động trước ngày 24/12/2014. Nhưng đến nay, số lượng các lò gạch thủ công vẫn còn khá lớn, chủ trương của tỉnh đến năm 2020 chấm dứt toàn bộ hoạt động của các lò thủ công.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 115 về việc xóa bỏ các lò gạch thủ công. Tuy nhiên, đến nay, vì một số lý do mà tỉnh Tuyên Quang vẫn còn tồn tại hàng chục lò gạch kiểu này. Sự tồn tại của các lò gạch thủ công đã gây ô nhiễm bầu không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và hoạt động sản xuất của người dân.
Chính vì vây, các cấp, ngành của xã Thái Sơn cần giải quyết dứt điểm các lò sản xuất gạch thủ công hoặc có các giải pháp đồng bộ và cụ thể hơn nữa như: chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác hoặc đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất… để bảo đảm sức khoẻ và tình hình sản xuất của người dân nơi đây được ổn định hơn.
Như Yến