Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX Tây Bình đã chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Tiêu biểu là đưa quy trình VietGAP vào canh tác để từng bước xây dựng thương hiệu cho vùng sản xuất rau an toàn của địa phương.
Tuân thủ nguyên tắc sản xuất "sạch"
Trong quá trình sản xuất, HTX hướng tới “3 sạch”: nước sạch, đất sạch, không khí sạch. Từng loại rau sẽ được chăm sóc theo từng quy trình phù hợp. HTX luôn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, các thành viên luôn tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng phương pháp.
Đặc biệt, các loại phân bón cho rau đều thân thiện với môi trường, không phải phân đạm, thuốc trừ sâu, trừ cỏ, trừ nấm hóa học độc hại.
Theo ban giám đốc HTX, trước đây người dân rất hay lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để nâng cao số lượng rau màu. Việc chạy theo số lượng, sử dụng nhiều phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật không chỉ dẫn tới nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn kéo theo không ít những hệ lụy liên quan tới môi trường. Do đó, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của HTX hiện nay.
Trồng bí non theo hướng VietGAP giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ thực vật. |
Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, đến nay, HTX đã xây dựng được vùng rau an toàn với loại rau chủ đạo là bí non và dưa leo. Việc áp dụng mô hình sản xuất rau quả an toàn mang lại hiệu quả thiết thực đối với thành viên, vừa tạo ra các sản phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ được môi trường đất, nước, không khí.
Do đã quen với cách trồng rau truyền thống lâu năm nên khi chuyển sang trồng rau an toàn, phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên nhiều hộ tỏ ra e ngại. Tuy nhiên, từ vụ thứ 2 trở đi, đa số các hộ đã thay đổi suy nghĩ.
Anh Trịnh Hoàng Sơn (xã Vĩnh Chánh) cho biết, với sự tư vấn kỹ thuật và giống cây trồng từ HTX nông nghiệp Tây Bình, anh chọn lựa giống bí non Hera 121 để trồng. Nhờ quy trình sản xuất an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại nhưng lại được bổ sung phân hữu cơ nên cây phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch sớm, chất lượng trái tốt. Sản lượng bí non đạt trung bình 3 tấn/công/vụ. Với 1,5 công đất, anh có thể thu lợi nhuận 30 triệu đồng/vụ, cao sơn so với trồng lúa.
Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp
Sản phẩm rau màu an toàn của HTX cũng nhận được những tín hiệu tích cực từ phía người tiêu dùng bởi không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể bảo quản lâu hơn so với rau trồng thông thường. Điều này cho thấy việc gắn sản xuất nông nghiệp với bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu và giúp nâng cao ý thức người dân.
HTX nông nghiệp Tây Bình không chỉ có nhiệm vụ kết nối người nông dân lại với nhau, mà còn hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho nông dân và quan trọng hơn là tìm đầu ra ổn định cho nông sản bằng việc kết nối với các đầu mối thu mua.
Hiện, HTX đã kết nối với các đơn vị thu mua rau của thành viên theo giá thị trường. Chỉ tính riêng tổng diện tích 30 công trồng bí, mỗi ngày HTX thu hoạch 2-3 tấn bí non, bán với giá từ 7.000-8.000 đồng/kg, 200-300kg bông bí với giá 18.000 đồng/kg. Ngoài ra còn nguồn thu từ cây dưa leo.
Sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu. |
Theo thỏa thuận, đơn vị thu mua sẽ đến tận ruộng thu mua nông sản cho thành viên, đảm bảo nông sản tươi ngon, bán được giá cao trên thị trường. Từ đó, giúp nông dân có lợi nhuận ổn định để đầu tư vào vụ mùa sản xuất kế tiếp.
Đánh giá về hiệu quả của HTX nông nghiệp Tây Bình, đại diện ngành nông nghiệp địa phương cho biết, trồng rau màu theo hướng an toàn trước hết là giải quyết được bài toán việc làm cho nhiều lao động nông thôn so với trồng lúa. Bởi trồng màu phải tiêu tốn công lao động nhiều, bình quân mỗi hộ dân trồng rau màu thuê từ 5-7 lao động từ khâu bỏ hạt, vô phân đến thu hoạch.
Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập cho người nông dân cũng như ý thức bảo vệ môi trường sinh thái.
Trước những tín hiệu tích cực, thời gian tới, HTX nông nghiệp Tây Bình tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường liên kết với các đơn vị đầu mối để bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất bền vững.
Như Yến