"20 năm trước, bạn có biết ngày hôm nay mình sẽ ở đâu và làm gì?" - chắc hẳn có rất ít người dám chắc chắn trả lời câu hỏi đó. Nhưng với Trần Thị Thúy Ngọc, vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách Khối dịch vụ Kiểm toán của Deloitte Việt Nam, một trong 4 hãng kiểm toán hàng đầu Việt Nam, dường như đã được hoạch định sẵn.
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối dịch vụ Kiểm toán của Deloitte Việt Nam
----------------------------
Đến Deloitte Việt Nam trong một ngày đầu tháng 5, khi công ty đang tất bật chuẩn bị lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, phải chờ đợi hồi lâu mới gặp chị vào buổi xế trưa. Tạm cất đi phong thái cứng rắn và quyết đoán trong công việc, chị Ngọc trải lòng với "mối duyên kiểm toán".
Đam mê để thành công
Nếu như bây giờ công việc của kiểm toán viên được trọng vọng, thậm chí có phần khiến cho người ta kính nể, thì những năm 1990, đây vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ. Ngoài 45 tiết học đại cương trên giảng đường về ngành này, chị Ngọc chưa hề được tiếp xúc với tài liệu nào về kiểm toán. Song với cá tính thích tìm hiểu những điều mới lạ và khó, rồi sau những lần trao đổi với thầy cô và bạn bè về nghề kiểm toán… chị đã tìm thấy cái duyên của mình với công việc này. Vì vậy chị đã đăng ký dự thi và trúng tuyển trong kỳ thi tuyển vào công ty kiểm toán Việt Nam VACO vào năm 1992.
Khi ấy, các công việc kế toán với các con số và các phép tính tỉ mỉ lặp đi lặp lại chưa làm thỏa mãn ý thích về nghề nghiệp với cô sinh viên mới ra trường. Trong khi đó, nghề kiểm toán là một nghề rất mới mẻ đòi hỏi người làm kiểm toán có kỹ thuật về kế toán cao, đồng thời, có kiến thức sâu rộng về quản trị doanh nghiệp, rủi ro doanh nghiệp cũng như rủi ro của ngành mà doanh nghiệp kinh doanh, các sai sót mà doanh nghiệp thường mắc phải khi lập báo cáo tài chính… "Tôi thực sự yêu thích môn khoa học "rất nghệ thuật kế toán" và bắt đầu sự nghiệp kiểm toán của mình với óc tò mò, trí tưởng tượng, phân tích và xét đoán cao", nữ Phó tổng giám đốc chia sẻ.
Những ngày đầu tiên bước vào nghề là những tháng ngày thử thách. Các lý thuyết về kiểm toán độc lập được trang bị trong nhà trường và trên sách báo quá ít ỏi. Chị bắt tay vào công việc này khi gần như chưa hiểu kiểm toán độc lập là gì và làm thế nào để thực hành kiểm toán với tư cách là kiểm toán viên. Con đường đến với nghề càng gian nan hơn với cô nhân viên trẻ khi phương tiện duy nhất giúp chị tiếp cận với các kiến thức về kiểm toán là tiếng Anh lại trở thành một rào cản khi ngoại ngữ được dạy tại các trường đại học của Việt Nam hầu hết là tiếng Nga.
Bên cạnh áp lực công việc, một kế hoạch học tập, trau dồi ngoại ngữ và nâng cao nghiệp vụ được chị Ngọc cấp tốc thực hiện. Vừa học tiếng Anh vào buổi tối để có thể tự tìm hiểu và đọc tài liệu về các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế; chị Ngọc vừa dành thời gian tham gia các lớp học về kiểm toán quốc tế tổ chức tại Việt Nam, đồng thời, nghiên cứu chuyên sâu các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán doanh nghiệp và pháp luật đầu tư nước ngoài để phục vụ cho công việc, đặc biệt khi tiến hành kiểm toán và tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, chị tích lũy thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ các chuyên gia nước ngoài và chính từ các khách hàng trong quá trình làm việc.
Với những nỗ lực không ngừng, năm 1995, chị đã đạt được chứng chỉ Kiểm toán viên Việt Nam và trở thành 1 trong 5 kiểm toán viên trẻ xuất sắc của công ty.
Cùng thời gian này, nằm trong chiến lược phát triển công ty lên tầm quốc tế và cũng là xu hướng "quốc tế hóa" chung của ngành kiểm toán, VACO đã cùng Hãng Deloitte thành lập liên doanh kiểm toán đầu tiên tại Việt Nam.
Với niềm đam mê và nỗ lực không biết mệt, chị đã được Deloitte toàn cầu cử đi học trong nhóm các nhân viên suất sắc đang làm việc tại hãng trong thời gian gần 2 năm tại San Francisco (Mỹ). Năm 2003, với kinh nghiệm học tập và làm việc đã được tích lũy, với say mê nghề nghiệp đã chia sẻ với đồng nghiệp, chị đã được được bổ nhiệm là Phó tổng giám đốc của công ty (Audit Partner).
- Năm 1991: Thành lập Công ty Kiểm toán Việt Nam VACO (Tiền thân của Deloitte Việt Nam). - Năm 1992: VACO ký biên bản hợp tác với Deloitte Touche Tohmatsu Quốc tế (DTT) - hãng Kiểm toán và Tư vấn hàng đầu thế giới. - Năm 1995: Thành lập Liên doanh kiểm toán VACO - DTT. - Năm 2007: VACO - DTT trở thành thành viên chính thức của Deloitte, đổi tên là Deloitte Việt Nam. - Năm 2010: Deloitte Việt Nam đứng thứ hai về thị phần và doanh thu trên thị trường kiểm toán độc lập của Việt Nam. |
Trưởng thành từ những bài học nhỏ
Ngót 20 năm gắn bó với ngành kiểm toán, vị trí hiện tại của chị Ngọc đang là mục tiêu phấn đấu của nhiều sinh viên các trường đại học khối kinh tế song chị cho rằng mọi thành công đều phải xuất phát từ sự rèn luyện, trau dồi học tập, phấn đấu và lòng đam mê nghề nghiệp. Đồng thời, sự kiên nhẫn học hỏi những điều nhỏ nhất từ thực tế để tích lũy kinh nghiệm cũng chính là bí quyết làm nên thành công.
"Để có được những kiến thức và kỹ năng vận dụng vào kiểm toán, việc học hỏi từ thực tế là điều hết sức cần thiết. Bản thân tôi không bao giờ quên được những bài học nhỏ nhất kể từ khi chập chững bước chân vào nghề cho đến nay", Phó tổng giám đốc Trần Thị Thúy Ngọc tâm sự.
Chị còn nhớ mãi một kỷ niệm, cũng là bài học cơ bản nhất đối với kiểm toán viên. Đó là thời điểm chị mới được đào tạo xong và bắt đầu với công việc xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp. Lần đầu tiên đến cơ sở làm việc chị đã gặp phải tình huống khó, đó là định giá trị tài sản của một doanh nghiệp cổ phần để phục vụ cho mục đích mua bán sáp nhập doanh nghiệp vốn rất mới mẻ lúc đó. Do sự bất đồng giữa Hội đồng quản trị và Ban giám đốc khách hàng, những thông tin cung cấp từ phía doanh nghiệp không được đầy đủ và rõ ràng khiến cho công việc tư vấn cực kỳ khó khăn. Từ tình huống đó, chị rút ra bài học về việc lựa chọn khách hàng. Trước khi làm việc phải xem xét các yếu tố rủi ro để lựa chọn, xác định đối tượng có thể là khách hàng để đảm bảo các tiêu chí như tính độc lập của kiểm toán viên và đơn vị được kiểm toán, tính chính trực và liêm chính của đơn vị được kiểm toán… trong kiểm toán và tư vấn.
Những tình huống xuất phát từ thực tế đã trở thành cẩm nang cho chị. Hiện nay, với lòng đam mê nghề nghiệp, chị Ngọc lại đứng lớp truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho lớp đàn em sau này. Chị cho rằng cần xây dựng thói quen chia sẻ, đó đồng thời cũng là văn hóa của Deloitte. Nữ Phó tổng giám đốc có dáng người nhỏ nhắn và khuôn mặt cương nghị này cũng là người có ảnh hưởng lớn tới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ của Deloitte Việt Nam. Với phương châm không sợ khó, chị chủ trương được giao việc gì cũng tìm mọi cách để giải quyết, mọi phương pháp để làm cho bằng được, qua đó đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Deloitte Việt Nam.
Từ những ngày đầu mới thành lập, nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả một số các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa hiểu Kiểm toán độc lập là gì, và vai trò của Kiểm toán độc lập là thế nào… thì đến nay vai trò của ngành kiểm toán nói chung và vị trí của Deloitte Việt Nam nói riêng đã được khẳng định.
Ngọc Khanh
(KINH DOANH số 88, ra ngày 09/05/2011)