Năm 2016, THT trồng và chế biến mía đường Cường Lợi được thành lập và chính thức hoạt động, trên cơ sở các hộ dân thuộc thôn Pò Nim liên kết lại với nhau để trồng cây mía và chế biến thành phẩm đường.
Được biết, trước đây tại xã Cường Lợi chỉ có thôn Pò Nim người dân trồng nhiều mía để bán. Tuy nhiên, một thời gian dài việc trồng mía giảm mạnh về diện tích, do việc tiêu thụ khó khăn, số lượng hạn chế.
Thành lập THT để sản xuất tập trung
Qua tìm hiểu, hầu hết các hộ nhận thấy cây mía trồng sau thu hoạch chế biến thành đường lại có giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Các hộ dân đã bàn bạc và thống nhất phải thành lập THT để sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế.
Để hoạt động có hiệu quả, THT đã làm các thủ tục theo quy định đồng thời ban hành quy chế hoạt động của THT, phân công công việc cụ thể cho từng thành viên, đồng thời rà soát lại toàn bộ diện tích trồng mía của từng hộ viên.
Qua thống kê, toàn bộ diện tích 4,7ha đất tại thôn Pò Nim của các hộ được trồng mía chế biến thành đường. Các hộ cũng mua sắm thêm máy móc, như máy ép mía, làm lò nấu mía, nhà xưởng… trên cơ sở một số phương tiện của các hộ đã có dùng để sản xuất trực tiếp tại gia đình.
Anh Hoàng Văn Hải - Tổ trưởng THT, cho biết: “THT đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng hầu hết thành viên đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chế biến cây mía đường. Toàn bộ giống mía được trồng tại đây sau khi thu hoạch có thể sử dụng gốc cho vài vụ tiếp theo”.
Đối với cây mía, việc chăm sóc không quá khó, chủ yếu là vun gốc dùng ngay chính bã mía để làm phân lót và chăm sóc khi cây đã phát triển. Vụ trồng mía bắt đầu từ tháng Giêng đến khoảng tháng 11 âm lịch sẽ được thu hoạch.
![]() |
Thành viên của THT chăm sóc diện tích mía mới trồng |
Tạo mọi điều kiện thuận lợi
Hiện nay, trồng 1ha mía năng suất có thể đạt được 5 tấn mía tươi, sau khi qua các công đoạn chế biến thành phẩm đường có thể bán được 27.000 - 30.000 đồng/kg. Như vậy, trồng 1ha mía có thể cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng, vượt trội so với một số cây trồng khác mà thời gian trồng, chăm sóc cũng đỡ vất vả hơn.
Nhận thấy phát triển kinh tế theo mô hình HTX, THT là hướng đi rất khả quan hiện nay, không những góp phần chuyển đổi các diện tích canh tác, cây trồng tăng năng suất giá trị kinh tế, mà còn tạo việc làm, đẩy mạnh liên kết giữa các hộ nông dân, huyện Na Rì và chính quyền xã Cường Lợi rất coi trọng phát triển kinh tế theo hướng này.
Theo đó, năm 2017, huyện cũng đã hỗ trợ cho THT 30 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người dân để mua máy móc phục vụ chế biến mía đường.
Với sự tích cực tham gia của các thành viên hoạt động trên cơ sở THT phân chia lợi nhuận và sử dụng một phần lợi nhuận để tái đầu tư cho sản xuất đang được các thành viên thực hiện hiệu quả. Vụ trồng và sản xuất mía đường vừa qua, THT đã cung cấp cho thị trường khoảng 25 tấn đường có chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
“Hiện nay, xã Cường Lợi đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, người dân hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, về phía chính quyền địa phương, cần phải hết sức nỗ lực để duy trì, củng cố các tiêu chí trong đó có tiêu chí về thu nhập của người dân. Do vậy, chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng các mô hình sản xuất, HTX và THT, nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Hoàng Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Cường Lợi, cho biết.
Nguyễn Nghĩa