Ấp Phố là một trong những ấp nghèo của xã An Quảng Hữu, thu nhập chính của người dân chủ yếu là từ 2 vụ lúa. Tuy nhiên, hình thức sản xuất này không mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của người dân còn khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình đó, nhằm tận dụng đất đai, nguồn lao động sẵn có tại địa phương và nâng cao cuộc sống cho người dân, mô hình THT trồng rau màu Ấp Phố đã được thành lập. Chú trọng sử dụng phân hữu cơ Với mục tiêu thay đổi nhận thức và phương pháp canh tác của người dân, HTX đã xây dựng kế hoạch sản xuất rau màu các loại theo hướng chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học. Các tổ viên đã tận dụng đất vườn tạp kết hợp với việc áp dụng kỹ thuật trong nông nghiệp để trồng rau màu. Nhằm hạn chế các loại sâu bệnh và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các tổ viên áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như trồng luân canh các loại cây, làm giàn che mưa, bón phân cân đối và dùng các biện pháp thủ công như ngắt ổ sâu mới nở để hạn chế sâu khoang gây hại. THT chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật khi được phép của cán bộ kĩ thuật địa phương. Khi thực hiện, THT tuân theo phương châm “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng nồng độ và đảm bảo thời gian cách ly. Nhờ vậy, mô hình sản xuất rau màu của THT ngày càng hiệu quả, cho năng suất cao. Trung bình mỗi năm, diện tích rau màu của THT thu về 700 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, lãi được trên 300 triệu đồng. Bình quân mỗi gia đình lãi từ 50 đến 60 triệu đồng nờ trồng rau sạch. Sau mỗi đợt thu hoạch, THT đều so sánh với cách canh tác truyền thống (dùng phân hóa học). Kết quả, sử dụng phân hữu cơ, vi sinh giúp năng suất rau màu tăng 10-15%. Đặc biệt, phân hữu cơ giúp rau dễ hấp thu, làm đất tơi xốp, cây rau cứng, không đổ ngã và có thể bảo quản lâu hơn sau thu hoạch. Bà Quách Thị Út, Tổ trưởng THT trồng rau ăn lá Ấp Phố, cho biết trồng rau màu bằng phân hữu cơ giúp cây xanh tốt, cứng cáp, chống chịu được sâu, bệnh so với phương thức canh tác thuần phân hóa học; đồng thời tăng năng suất, thu nhập cho nông dân. Về lâu dài, khi sử dụng phân hữu cơ, nông dân sẽ giảm dần dùng phân hóa học, từ đó góp phần thiết thực bảo vệ môi trường sản xuất cũng như bảo vệ sức khỏe. Thích ứng với biến đổi khí hậu Để ứng phó với điều kiện khí hậu hạn hán gây thiệt hại cho rau màu, THT đã áp dụng mô hình tưới tiết kiệm trên diện tích 18.500m2. Ngoài thực hiện xây dựng kênh mương dẫn nước, THT đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tổ viên và người dân, lồng ghép các nguồn vốn, nhất là vốn trong nhân dân để đầu tư mô hình tiết kiệm nước phù hợp với loại cây trồng của THT. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình tưới nước tiết kiệm còn mang lại hiệu quả cao về môi trường, nhất là đối với vùng đất khô thiếu nước, nhiệt độ cao và bị mặn xâm nhập như địa phương mà HTX đang phát triển sản xuất rau màu. Nhờ áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa tầm thấp, THT đã tiết kiệm được từ 40% đến 60% lượng nước tưới; giảm được 30% công lao động; tiết kiệm 30% lượng phân bón; giảm khoảng 4% chi phí đầu tư nhưng lợi nhuận tăng từ 10 đến 11% so với phương pháp tưới kiểu truyền thống. |
Nhờ sản xuất hiệu quả, giá trị sản phẩm rau màu của THT cao hơn so với trước đây khoảng 2.000 đồng/kg; chi phí giảm 10% và năng suất rau màu tăng 20-25%.
Để hỗ trợ nhau cùng sản xuất, các tổ viên còn đóng góp vốn xoay vòng giúp nhau mua vật tư nông nghiệp như giống, phân bón…
Mô hình sản xuất của THT đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho các tổ viên, góp phần đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng và từng bước thay đổi tập quán sản xuất trong từng hộ trồng màu ở địa phương theo hướng an toàn. Đây là hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay…
Như Yến