Theo UBND huyện Thanh Liêm, toàn huyện hiện đạt 6/9 tiêu chí cấp huyện về xây dựng NTM, còn lại 3 tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục và môi trường. Huyện cũng đang có 13/16 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 17,25 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,1 triệu đồng/năm.
Với mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2018, Thanh Liêm đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện 3 tiêu chí cấp huyện chưa đạt, đồng thời hỗ trợ 3 xã còn lại là Thanh Tân, Thanh Nghị và Liêm Túc hoàn thành các tiêu chí NTM.
Đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, quá trình hoàn thành mục tiêu của huyện còn nhiều thách thức. Đơn cử, tại xã Thanh Tân, việc huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang gặp không ít trở ngại.
Ông Đinh Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, cho biết: “Hiện tại, xã đang thiếu khu nhà hiệu bộ trường mầm non, 4 phòng học trường mầm non, nhà hiệu bộ trường THCS, sân vận động tập trung... với mức vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng”.
Tương tự, tại hai xã Thanh Nghị và Liêm Túc cũng còn nhiều trăn trở với các tiêu chí khó, như tiêu chí môi trường, công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai…
NTM huyện Thanh Liêm đang khởi sắc |
Trước những thách thức gặp phải, huyện Thanh Liêm chỉ đạo các xã trước hết phải nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Các xã tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép chương trình mục tiêu phục vụ xây dựng NTM, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân và các doanh nghiệp.
Tăng cường giám sát, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, vận động nhân dân tiếp tục hiến đất, góp đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trường học, đường nội đồng, kiên cố hóa kênh mương; phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.
Các xã tập trung phát triển HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác, gắn với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa, đào tạo nghề, quan tâm giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao đời sống của người dân.
Chính sách đi đôi với hành động cụ thể, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn liên tục được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn huyện.
Điển hình như mô hình trồng rau an toàn ở thôn Bạc Làng, xã Thanh Tân, đang cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng rau thông thường, bình quân mỗi sào (360m2) rau an toàn cho lãi 20 triệu đồng/năm, cà chua đạt 20 triệu đồng/sào (trong 6 tháng).
Các HTX nông nghiệp cũng đang thể hiện vai trò tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Có thể kể đến các HTX điểm như HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Thanh Hà), HTX Bắc Liêm Sơn (xã Liêm Sơn)…
Các mô hình sản xuất, HTX nông nghiệp an toàn, hiệu quả được nhân rộng đang trở thành động lực phát triển kinh tế, giúp các xã trên địa bàn hoàn thiện và nâng cao chất lượng NTM. Dù còn không ít khó khăn, nhưng với những chính sách thiết thực, hành động cụ thể, mục tiêu về đích huyện NTM trong năm 2018 của huyện Thanh Liêm là hoàn toàn khả quan.
Nhật Minh