Hàng loạt mô hình được hỗ trợ từ nguồn vốn NTM đã và đang phát huy hiệu quả vượt trội. Điển hình như mô hình sản xuất cây giống lá gai xanh xã Thọ Diên (huyện Thọ Xuân) quy mô 8ha, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, lợi nhuận bình quân đạt 130 triệu đồng/ha.
Mô hình nuôi cá trắm đen xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn), từ nguồn ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng và tiền đối ứng 775 triệu đồng đã tạo ra nguồn sản phẩm ổn định, ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn với nhiều cơ sở chế biến, nhà hàng, siêu thị ở Hà Nội, Hà Nam, lợi nhuận bình quân đạt 300 triệu đồng/ha…
Kết quả cho thấy, các mô hình sản xuất tập trung mang lại hiệu quả cao hơn 10 - 15 % so với sản xuất đại trà, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 lên 24 triệu đồng (tăng 4,3% so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,54%. Đây được xem là tiền đề vững chắc để xây dựng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Sự đóng góp của các HTX, tổ hợp tác trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM cũng được thể hiện đậm nét. Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Hợp (huyện Hoằng Hóa), sản xuất chuyên canh 28ha rau an toàn, cho thu nhập cao gấp 50 - 70% so với phương thức canh tác cũ. Mức thu nhập bình quân của HTX hiện đạt 350 - 400 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Chí Công - đại diện HTX Hoằng Hợp cho biết: “Không chỉ gia tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, phương thức canh tác hiện đại còn đem lại lợi ích thiết thực cho môi trường, giảm công lao động, đảm bảo an toàn lao động cho người dân”.
HTX nông nghiệp là "chìa khóa" xây dựng NTM bền vững |
Hơn 40 năm phát triển, HTX Quảng Thắng (phường Quảng Thắng, Tp.Thanh Hóa) đang là tập hợp của 68 hộ thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, với sản phẩm chủ lực là các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện tại, HTX đã có 12 mặt hàng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với hơn 5ha sản xuất rau an toàn, bình quân mỗi năm HTX thu về khoảng 300 tấn sản phẩm, với giá bình quân 7.000 đồng/kg, đem lại doanh thu trên 1 tỷ đồng.
HTX Thiệu Tân (huyện Thiệu Hóa) đang mang lại lợi nhuận cao cho thành viên nhờ sản xuất an toàn. Kể từ năm 2015 đến nay, thu nhập bình quân của các hộ vùng chuyên trồng ớt đạt 300 triệu đồng/năm; vùng chuyên trồng cà muối và rau màu đạt 260 triệu đồng/năm; vùng chuyên trồng mướp đắng và rau màu đạt 330 triệu đồng/năm.
Tại huyện Quan Hóa, vùng sản xuất luồng lớn nhất tỉnh, các HTX cũng đang thể hiện vai trò quan trọng. Ông Phạm Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết: “Các HTX đang góp phần tiêu thụ trên 70% sản lượng luồng của xã và tạo việc làm cho hơn 400 lao động”.
Đơn cử, HTX Hợp Phát (xã Xuân Phú) với sản phẩm chủ lực là vàng mã (chế biến từ gỗ luồng) xuất khẩu. Mỗi năm, doanh thu của đơn vị đạt 10 - 12 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 150 lao động với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, phát triển các mô hình sản xuất, HTX nông nghiệp và xây dựng NTM là một trong 5 chương trình kinh tế trọng tâm của địa phương. Nâng tầm HTX, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả là “chìa khóa” giúp các địa phương tháo gỡ các khó khăn, về đích NTM đúng hạn và thực chất.
Vượng Cát