Từ thực tế cho thấy, việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy tốt nội lực trong nhân dân để huyện Đại Từ có được những bứt phá mạnh mẽ.
Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình, diện mạo nông thôn trên địa bàn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, đồng thời góp phần thay đổi tư duy của người dân trong việc tham gia đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm
Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Làn sóng” xây dựng NTM đã lan rộng khắp các xã, xóm trên địa bàn. Nếu như trước đây, khi triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, ở một số nơi người dân không muốn đóng góp, đặc biệt là đối với những tuyến đường phải lấy đất của các hộ dân để mở rộng, không ít hộ đề nghị được bồi thường.
Nhưng đến nay đã khác. Có những xóm người dân còn đề nghị được đóng góp kinh phí đối ứng và hiến đất để mở đường. Nhìn chung, người dân đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, đây chính là cái được lớn nhất trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.
Được biết, những năm gần đây, huyện luôn là lá cờ đầu trong phong trào nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm NTM của tỉnh, với điểm nổi bật là tiến độ thực hiện nhanh, kinh tế có bước phát triển vượt bậc.
Trong hơn 6 năm qua, toàn huyện đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp được trên 700km đường giao thông các loại và kênh mương nội đồng; gần 100 công trình thủy lợi; đầu tư xây dựng nhiều nhà văn hóa xã, xóm...
Riêng năm 2017, huyện đã xây dựng trên 87km đường bê tông nông thôn, trong đó kinh phí đối ứng của nhân dân là gần 40 tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 1.500 hộ hiến trên 91.000m2 đất.
Xã Phú Cường hiện có 2 HTX sản xuất chè an toàn
Thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất
Dẫn chúng tôi đi dọc con đường mới được đổ bê tông ở xóm Phúc Cường (xã Phú Cường, huyện Đại Từ), ông Nguyễn Kim Chinh - Chủ tịch UBND xã, phấn khởi cho biết: Năm 2017, Phú Cường là một trong hai xã của huyện cán đích NTM. Trong năm qua, xã đã hoàn thành thêm 6 tiêu chí là: Thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội và giao thông. Hiện, xã đã được công nhận đạt chuẩn.
Để có kết quả như thế, xã đặc biệt chú trọng trong phát triển kinh tế nâng cao đời sống người dân thông qua việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, chất lượng chè.
Bên cạnh đó, xã thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình HTX, THT sản xuất. Đến nay, xã có 2 HTX và 1 THT sản xuất chè an toàn, từng bước tạo dựng thương hiệu chè Phú Cường, từ đó giá bán sản phẩm chè địa phương ngày càng tăng cao.
Hiện nay, toàn xã có 270ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là 240ha, giá bán chè khô trung bình từ 100.000 - 200.000 đồng/kg. Kinh tế phát triển, xã có điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, riêng trong năm 2017, 3 tuyến đường liên xã nối các xã Phú Cường, Minh Tiến, Phú Thịnh với tổng chiều dài trên 6km đã được hoàn thành, cùng với đó, 41 tuyến đường liên xóm, trục xóm, ngõ xóm cũng đã được đổ bê tông theo tiêu chuẩn đường giao thông NTM.
Riêng năm 2017, tổng các nguồn vốn đầu tư cho nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm NTM trên địa bàn xã ước tính hơn 60 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng.
Hải Hằng