NLĐ tại làng nghề Phương Độ vẫn chưa quan tâm đến bảo đảm ATLĐ |
Bên cạnh một số đơn vị đã bảo đảm khá tốt công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) cho NLĐ, xã viên, thì vẫn còn không ít cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới công tác này. Đặc biệt là các làng nghề, HTX gắn với công việc nặng nhọc, như: sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, sản xuất gạch silicat…
Người lao động còn thờ ơ
Sau khi được công nhận làng nghề từ cuối năm 2009, Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình) đã mở rộng quy mô với gần 20 cơ sở sản xuất, thu hút hàng trăm NLĐ trong và ngoài huyện. Suốt dọc tuyến đường từ cổng làng nghề vào tới UBND xã, hàng chục cơ sở sản xuất gỗ hoạt động liên tục. Từ đây mùi gỗ, mùi sơn, cả bụi đường đã khiến cho không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân.
Biết là ô nhiễm, nhưng đặc thù của việc sản xuất gỗ mỹ nghệ cộng với việc chưa có biện pháp và sự hướng dẫn cụ thể về đảm bảo ATLĐ, vệ sinh môi trường nên cả chủ cơ sở và NLĐ vẫn chấp nhận làm việc trong môi trường ô nhiễm đó. Để bảo vệ mình, NLĐ phải tự trang bị cho mình phương tiện bảo hộ kao động. Tuy nhiên, chính bản thân một số NLĐ còn thờ ơ với việc tự bảo vệ mình.
Không chỉ có làng nghề thủ công mỹ nghệ Phương Độ mà hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ cũng đang ở trong tình trạng như vậy. Theo số liệu thống kê của các tổ chức chuyên ngành, hơn 90% NLĐ làng nghề tiếp xúc các yếu tố nóng, bụi là tiếng ồn, hóa chất... Đối với TNLĐ và bệnh tật thì những nguy cơ gây bỏng, đứt tay chân, điện giật, bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu hóa, phụ khoa luôn chiếm tỷ lệ cao.
Mong muốn có biện pháp hiệu quả
Tình trạng mất ATLĐ và vệ sinh môi trường tại các làng nghề như vậy, còn với các HTX thì cũng gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các công tác này. HTX Dịch vụ và kinh doanh tổng hợp Cổ Lũng (Cổ Lũng, Phú Lương) là một trong những HTX tổng hợp, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó chuyên về quản lý, vận hành lưới điện và cung cấp điện cho người dân tại địa phương. Nhiều năm qua với ý thức và sự chủ động của mình, HTX được đánh giá là đơn vị thực hiện khá tốt công tác bảo đảm ATLĐ.
Với trên 90 xã viên, phụ trách quản lý gần 60km đường dây điện tại địa phương, HTX đã trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ cũng như thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức ATLĐ, PCCN cho lao động, xã viên. Chính vì vậy trong 10 năm thành lập, HTX không để xảy ra vụ TNLĐ nào, đặc biệt là ý thức của mỗi công nhân về bảo đảm ATLĐ được nâng cao.
Bên cạnh việc quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn lưới điện cho nhân dân địa phương, HTX Cổ Lũng cũng mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh như : sản xuất, chế biến lâm sản; SX-KD vật liệu xây dựng; kinh doanh thiết bị điện, nước… Đó đều là những công việc khá nặng nhọc, nguy cơ mất an toàn cao.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp tích cực trong công tác bảo đảm ATLĐ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện HTX vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Vũ Văn Cương - Giám đốc HTX, chia sẻ: Khó khăn của HTX Cổ Lũng cũng là khó khăn chung của nhiều HTX, làng nghề hiện nay. Đó là mong muốn có biện pháp tích cực, hiệu quả để đảm bảo ATLĐ tại tất cả các làng nghề, HTX trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, trong thời gian tới, Sở sẽ có những biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATVSLĐ trong các làng nghề, HTX.
Tuy nhiên để thực hiện tốt công tác này không chỉ có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đơn vị, làng nghề, HTX sản xuất mà trên hết là ý thức của chủ cơ sở sản xuất, của mỗi NLĐ.
Minh Thúy