Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Sông Kôn (ở thôn Bhờ Hôồng) đang được xem là mô hình kinh tế hợp tác điển hình giúp tạo công ăn việc làm cho đồng bào Cơ Tu trong xã Sông Kôn. Tổ hợp tác hiện có 32 thành viên, được thành lập trên cơ sở tập hợp các nghệ nhân đan lát của đồng bào Cơ Tu địa phương, do chị Aral Thị Múc làm tổ trưởng.
Tổ hợp tác hồi sinh nghề đan lát
Chị Aral Thị Múc cho biết sản phẩm tổ hợp tác làm ra chủ yếu trưng bày, bán cho khách du lịch, tham gia các hội chợ, triển lãm. Hằng tuần, thành viên trong tổ phân công nhiệm vụ như lên rừng lấy mây, chẻ mây, vót, tuốt, đan, nhuộm màu, phơi khô…Để tạo đầu ra thì sản phẩm của tổ hợp tác được ký gửi ở một số điểm du lịch nổi tiếng.
![]() |
Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Sông Kôn tạo công ăn việc làm cho đồng bào Cơ Tu. |
Như chia sẻ của chị Múc, nhờ sự kết nối, hỗ trợ của một số tổ chức, cá nhân nên tổ hợp tác có các đơn hàng nhỏ lẻ, từ đó tạo thu nhập cho các thành viên. Bà con người Cơ Tu trong tổ được hỗ trợ học nghề, thiết kế nhiều sản phẩm đa dạng, hỗ trợ một số dụng cụ thô sơ phục vụ đan lát.
Sản phẩm đan lát của tổ hợp tác này đang được huyện Đông Giang xây dựng trở thành sản phẩm OCOP bản địa. Đây là động lực để đồng bào Cơ Tu trong xã Sông Kôn nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống đan lát - một nét văn hóa đặc sắc của họ, chuyên đan lát các sản phẩm truyền thống như nia, nong, giỏ cá, mâm ăn cơm, đơm bắt cá, các loại gùi…
Thời gian trước, số nghệ nhân ở các làng bản Cơ Tu trên địa bàn xã Sông Kôn còn duy trì nghề đan lát không còn nhiều. Nguy cơ mai một nghề đan lát truyền thống hiển hiện khi nhiều gia đình người Cơ Tu dần thích dùng các vật dụng làm bằng nhựa, inox tiện lợi, số người theo nghề đan lát vơi dần.
Trong khi đó, phần lớn người trẻ Cơ Tu đi học rồi làm những công việc có thu nhập cao hơn, làm việc trong nhà máy, xí nghiệp với mức lương ổn định nên không nhiều người trẻ mặn mà theo nghề.
Chính vì vậy, khi có sự ra đời của Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Sông Kôn, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các lớp truyền nghề đan lát mây tre được tổ chức, vừa tạo sản phẩm phục vụ đời sống, vừa tạo các sản phẩm du lịch.
Nhờ đó vừa giúp “hồi sinh” nghề đan lát vừa giúp người Cơ Tu ở Sông Kôn có thêm thu nhập để nâng cao đời sống. Chẳng hạn mỗi chiếc gùi do họ làm ra có thể bán với giá 200-250 nghìn đồng; các sản phẩm đồ dùng khác có giá dao động từ 50-170 nghìn đồng, tùy kích cỡ.
Giúp cải thiện sinh kế
Là người tham gia tổ hợp tác và được học lại nghề đan lát, ông Bling Blóo (thôn Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn) cho biết nhờ đó mà ông có thêm cơ hội mới từ nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Nhất là giúp bản thân ông và bà con biết thêm kỹ thuật đan lát những mẫu mã mới như bàn, ghế, giỏ, lọ hoa, mâm, rổ…
![]() |
Hồi sinh nghề đan lát giúp cải thiện sinh kế cho phụ nữ Cơ Tu ở Sông Kôn. |
Ngoài ra, người dân Sông Kôn còn được hỗ trợ một số mô hình trồng mây dưới tán rừng giúp cải thiện sinh kế, đồng thời tạo nguyên liệu bền vững cho nghề mây tre đan truyền thống Cơ Tu.
Gần đây, các thành viên Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Sông Kôn cũng được một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các thiết bị, máy móc hỗ trợ gồm thiết bị chẻ mây, vót mây, bể luộc nguyên liệu mây tre, máy hút ẩm với dung tích 60 lít/ngày và phòng bảo quản nguyên liệu. Họ cũng được hỗ trợ các lớp tập huấn nghề đan lát gắn với nâng cao năng lực tổ chức hoạt động nhóm, nhằm phát triển sản phẩm đa dạng và kết nối thị trường rộng rãi.
Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cũng dành sự quan tâm phát triển các mô hình kinh tế hợp tác gắn với nghề truyền thống kết hợp du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đông Giang nói chung và đồng bào Cơ Tu ở xã Sông Kôn nói riêng.
Từ mối quan tâm này, bằng những hành động cụ thể của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, cùng với đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, địa phương đã giúp cho nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Sông Kôn được khôi phục. Với các lớp truyền nghề đan lát mây tre cho người trẻ của đồng bào Cơ Tu đã tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống, vừa xây dựng trở thành sản phẩm OCOP vừa mở hướng phát triển du lịch.
Xã Sông Kôn hiện có 759 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, việc tạo động lực mới cho bà con nơi đây chính là sự kế hợp giữa nghề truyền thống với du lịch cộng đồng, đặc biệt là gắn câu chuyện văn hóa Cơ Tu trong các sản phẩm du lịch.
Điều này tưởng chừng khá đơn giản nhưng phải mất một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm mới có thể đưa vào “thực đơn” du lịch miền núi ở Sông Kôn. Vậy là đồng bào Cơ Tu trong xã phải tự làm mới mình.
Mỗi hộ dân cùng chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch đón khách bằng không gian cộng đồng Cơ Tu vốn có, từ nhà sàn, ẩm thực cho đến hoạt động trải nghiệm đời sống thường ngày như đan lát, dệt thổ cẩm, tắm thác nước, leo núi…
Kết hợp với du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng ở Sông Kôn được tập trung tại làng Bhơ Hôồng, cũng là nơi đặt bản doanh của Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Sông Kôn. Đây là địa điểm nổi tiếng với vẻ đẹp truyền thống của đồng bào Cơ Tu và nằm bên dòng sông thơ mộng.
![]() |
Kết hợp nghề truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng mở ra động lực mới nâng cao đời sống cho đồng bào Cơ Tu ở Sông Kôn. |
Những năm gần đây, làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng đã khẳng định được thương hiệu là điểm đến được du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Qua đó góp phần thu hút du khách, tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào nơi đây.
Ngôi làng này nằm tựa lưng vào những ngọn núi cao, trước mặt là sông Kôn với những con suối nhỏ quanh làng, thiên nhiên ưu đãi, khí hậu trong lành, cách làng không xa có dòng suối nước nóng A Păng thích hợp cho việc tắm chữa bệnh.
Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu ở Sông Kôn như lễ hội mừng lúa mới, nói lý – hát lý, múa tân tung da dá, nghề đan lát và dệt thổ cẩm truyền thống.
Đây cũng là một trong số 12 điểm du lịch nông thôn được tỉnh Quảng Nam đăng ký phát triển du lịch nông thôn theo tiêu chí xanh-bền vững trong 3 năm trở lại đây.
Trong các nội dung hỗ trợ sẽ có việc phục dựng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, lễ hội, ẩm thực truyền thống, các sản phẩm du lịch sinh thái; đào tạo kỹ năng, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho đồng bào Cơ Tu ở Sông Kôn.
Có thể nói, hành trình kết hợp nghề truyền thống với phát triển du lịch bằng giá trị văn hóa cộng đồng đang mở ra rất nhiều hy vọng, nhiều động lực mới cho đồng bào Cơ Tu ở Sông Kôn.
Tư duy nhạy bén, cộng thêm ý tưởng mới mẻ, những mô hình họ đang vận hành góp phần thu hút du khách tìm đến bản làng miền núi này, vừa tăng thêm đầu ra cho sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Sông Kôn vừa giúp đồng bào Cơ Tu nâng cao đời sống, hướng tới thoát nghèo bền vững.
Thanh Loan