Sau 10 năm đẩy mạnh thực hiện phong trào “tam nông”, giá trị sản xuất nông nghiệp huyện Tây Sơn tăng bình quân 4%/năm, cơ cấu mùa vụ chuyển biến mạnh mẽ, nhiều vùng rau chuyên canh, rau an toàn VietGAP hiệu quả cao được hình thành.
Ngành chăn nuôi của huyện từng bước chuyển từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại. Chăn nuôi công nghiệp phát triển ổn đỉnh, thu hút nhiều doanh nghiệp liên kết với người dân hình thành chuỗi sản xuất từ chăm sóc đến tiêu thụ.
Công tác nghiên cứu, đẩy mạnh khoa học – kỹ thuật vào sản xuất cũng được huyện quan tâm đúng mức. Nhiều đề tài, dự án được huyện hỗ trợ triển khai với tổng kinh phí 440 triệu đồng, trong đó, có 3 đề tài được áp dụng với 3 mô hình sản xuất có hiệu quả.
Về vốn đầu tư sản xuất, huyện tạo nhiều điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp bà con mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng hiệu quả kinh tế.
Phong trào "tam nông" đang góp phần thay đổi diện mạo NTM tại Tây Sơn |
Kết quả, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của huyện hiện đạt 32,2 triệu đồng/người/năm, tăng 8,2 triệu đồng so với năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,1%. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Năm 2017, huyện có 2 xã về đích NTM là Bình Hòa và Tây Thuận, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 6 xã. Các chương trình xây dựng NTM được người dân ủng hộ, đóng góp 13,2 tỷ đồng tiền mặt, 9.744 ngày công lao động, hiến 8.563 m2 đất… với tổng giá trị quy đổi là 19,2 tỷ đồng.
Tổng nguồn lực thực hiện xây dựng NTM của huyện Tây Sơn năm 2017 đạt trên 100 tỷ đồng. Trong 10 năm qua, huyện đã đầu tư trên 1.493 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 347 km đường giao thông nông thôn; tất cả 15 xã đều có đường ô tô đến trung tâm. Nhiều công trình thủy lợi lớn được đầu tư xây dựng, như đập dâng Văn Phong, hồ Thuận Ninh…
Năm 2018, huyện Tây Sơn phấn đấu có thêm 1 xã (Bình Thuận) đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người nông thôn đạt 33 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 2%, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 85%...
H.N