Tại xã Đồng Văn và xã Tề Lỗ, hiện nay đã tái chế được một lượng lớn chất thải kim loại từ khu vực và những địa bàn xung quanh. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất thô sơ, lao động thủ công, một số chất thải ngoài kim loại chưa có biện pháp thu gom, xử lý hợp vệ sinh đã gây ra tác động lớn tới môi trường xung quanh, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chính người lao động trực tiếp sản xuất và những người dân sống trong khu vực.
Công nghệ lạc hậu
Tại khu vực làng nghề, một lượng lớn rác thải thứ cấp như: cao su, nilon, dầu thải, sỉ, cặn sơn được đổ thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước mặt và nước ngầm. Mặt khác, việc nấu thép phế liệu gây ô nhiễm không khí, làm cạn kiệt nguồn nước ngầm (do khai thác nước để làm mát) gây ra những hệ lụy cho môi trường mà chưa thể lường hết được.
Các chủ cơ sở sản xuất phần lớn là chuyển từ làm nông nghiệp sang kinh doanh và tái chế sắt thép phế liệu nên vốn đầu tư ban đầu không nhiều, chưa có khả năng đầu tư dây truyền công nghệ hiện đại. Công nghệ sản xuất ở đây hầu hết rất thô sơ, mang tính thủ công. Máy móc thiết bị chắp vá, dẫn đến lãng phí nguyên liệu và thải nhiều chất thải sản xuất.
![]() |
Một cơ sở phá dỡ ở Tề Lỗ
Hầu hết các cơ sở tại Đồng Văn đều do các hộ gia đình làm chủ và thuê họ hàng gia đình cùng làm; một số cơ sở đã tích lũy và mở rộng quy mô sản xuất thì thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH và thuê lao động từ bên ngoài. Tuy nhiên, khả năng vốn và công nghệ đều rất hạn chế và người sản xuất bị phụ thuộc nhiều vào tình hình biến động của thị trường. Hiện tại, tốc độ cải tiến công nghệ ở xã Đồng Văn và Tề Lỗ còn chậm vì mức độ đầu tư phụ thuộc vào khả năng của từng tổ hợp hoặc từng hộ gia đình.
Tổn hại cho môi trường
Việc tái chế, tái sử dụng nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên là rất tốt và phải được khuyển khích. Tuy nhiên hiện nay, tại Đồng Văn và Tề Lỗ, việc tái chế các loại kim loại với công nghệ lạc hậu, thủ công gây tổn hại cho môi trường là vấn đề cần quan tâm. Tất cả các loại máy móc thiết bị hỏng như ô tô, xe máy, máy súc, máy ủi đều qua quá trình phá rỡ, phân loại thủ công sau đó đem nấu thành phôi; còn các loại chất thải khác có thể bán cho làng khác hoặc đem đổ ở những nơi đất trống.
Môi trường làng nghề hiện ngày càng trở nên bức xúc, suy thoái. Đó là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể hóa cho BVMT làng nghề, đôi khi còn thiếu thực tế, một số văn bản pháp quy còn chưa thống nhất dẫn đến khó có thể thực hiện được trên thực tế.
Để thực hiện công tác quản lý nhà nước về BVMT tại các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề, việc đầu tiên yêu cầu các hộ phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, lập bản cam kết BVMT hoặc Đề án BVMT đơn giản, chi tiết; đẩy mạnh công tác quy hoạch làng nghề, kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và các công đoạn gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
Ly Lan