Dong riềng là cây cho hiệu quả kinh tế cao, lại là cây chịu hạn tốt, dễ trồng, ít bị sâu bệnh... do đó HTX không gặp nhiều khó khăn về phần nguyên liệu.
Tuy nhiên, khi đi vào sản xuất miến từ dong riềng bằng phương pháp thủ công không mang lại hiệu quả kinh tế cao, khó bảo đảm ATVSTP và môi trường. Từ khi đầu tư dây chuyền sản xuất miến hiện đại, HTX đã giải quyết được những khó khăn và đáp ứng được nhu cầu sản xuất miến mùa mưa.
Công nghệ hiện đại
Với kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng, dây chuyền sản xuất miến của HTX sử dụng công nghệ đốt sinh học, có lò sấy hiện đại và khép kín tất cả các công đoạn từ rửa củ, cắt, nghiền đến việc hong sấy sản phẩm. Do đó, công suất, hình thức, chất lượng sản phẩm đã được nâng lên.
Nếu như trước đây, HTX chỉ có thể sản xuất 60 kg miến/ngày, thì nay, HTX có thể sản xuất được 500 kg miến/ngày, cao gấp 8 lần so với trước. Đặc biệt, với công nghệ đốt sinh học, HTX không cần dùng đến hóa chất tẩy axit chanh, sợi miến vẫn có màu sắc sáng, trong, bảo đảm tính thẩm mỹ.
Ông Đặng Thế Chuyền - Giám đốc HTX, cho biết nếu sản xuất thủ công, trung bình 10kg củ dong riềng chỉ cho 1,8 - 2,4 kg bột ướt. Nhưng nhờ chu trình vắt bột mới, HTX thu được 3,8 - 4 kg bột ướt, cao gần gấp đôi so với trước, lại tiết kiệm thời gian và công sức.
Công nghệ hiện đại không gây lãng phí nguyên liệu đầu vào, do đó, giá thành sản phẩm cũng sẽ thấp hơn, nên dễ cạnh tranh với các sản phẩm miến của các vùng miền khác trong cả nước.
Nếu phương pháp chế biến nguyên liệu cũ thải ra môi trường 70% khối lượng sản phẩm đầu vào, thì hiện nay, HTX chỉ cần 40 lít nước để làm ra 1 kg bột và chỉ tiêu tốn 50% điện so với trước, tiết kiêm tối đa chi phí đầu tư.
Sản phẩm miến dong Duy Sơn được đóng gói với các trọng lượng 250 gam, 500 gam và 1 kg, với chất lượng bảo đảm để phục vụ nhu cầu thị trường.
Hiện, HTX đã tạo việc làm cho 10 - 20 lao động địa phương với mức thu nhập 2,6 - 3 triệu đồng/người/tháng. HTX cũng đứng ra thu mua nguyên liệu cho các hộ trồng dong riềng trong vùng, nên người dân không lo vấn đề tiêu thụ, hay mất giá do thương lái.
Bên cạnh đó, để giúp người dân trong vùng nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX còn nhận xát củ dong riềng cho các gia đình có nhu cầu.
Nhờ đổi mới dây chuyền sản xuất, HTX đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, giúp đáp ứng nhu cầu thị trường và khẳng định chất lượng.
![]() |
NLĐ của HTX đóng gói miến dong cho khách
Bảo vệ môi trường
Không chỉ chú trọng đổi mới công nghệ, HTX còn xây dựng xưởng sản xuất rộng rãi, thoáng mát. Tất cả các vật dụng phục vụ sản xuất được HTX bố trí hợp lí, gọn gàng. Hiện, HTX đã xây dựng được nhà điều hành khang trang, tạo thuận lợi cho việc giao dịch, đón tiếp khách hàng.
Yếu tố môi trường cũng được HTX quan tâm. HTX đã xây dựng bể tách bã bioga sau khi ép bột. Bể này giúp lọc nước sạch thải ra môi trường. Bã dong riềng được tận dụng làm chất đốt hoặc ủ làm phân vi sinh để bón cho cây trồng.
Bể tách bã còn là nơi nhận chất thải của quá trình bóc vỏ, xơ, nước rửa và lọc củ trong toàn bộ quá trình sản xuất. Toàn bộ chất thải này sẽ được cấy vi sinh, tạo thành năng lượng đốt lò tải nhiệt, phục vụ cho quá trình sấy miến.
Theo ông Đặng Thế Chuyền - quá trình này tạo ra năng lượng đốt nhưng lại làm giảm khí thải cacbon ra môi trường nên không gây ô nhiễm môi trường xung quanh nơi sản xuất. Nước thải ra môi trường là nước sạch nên bảo đảm yêu cầu của Bộ TN&MT.
Thay đổi công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, HTX đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của địa phương, mặt khác giải quyết việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định, đồng thời giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và chất đốt từ việc xây dựng bể bioga…
Như Yến