Sau khi tổ chức theo Luật HTX 2012, hoạt động của HTX đã đi vào ổn định. Việc triển khai cung ứng các sản phẩm, dịch vụ của HTX cũng tốt hơn.
Từ 4 thành viên ban đầu, hiện HTX đã có 20 thành viên. HTX phát triển đã giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương, với thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Trồng nấm bằng bông vải
Anh Nguyễn Duy Hưng - Giám đốc HTX Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh, cho biết trước đây, HTX trồng nấm chủ yếu bằng rơm rạ. Nhưng nay, nguồn nguyên liệu rơm ngày càng khan hiếm, giá thành cao, vì nhiều nơi phát triển chăn nuôi trâu bò và phục vụ vận chuyển dưa hấu, nên HTX đã tận dụng mùn cưa thải ra sau khi trồng nấm bào ngư và linh chi, kết hợp bông vải thải để trồng nấm rơm.
Để bảo đảm chất lượng, bông vải đều được phân loại, lựa chọn ra những nguyên liệu mới. HTX xử lý bông vải bằng vôi (trung bình 1 tấn nguyên liệu là 50 kg vôi), sau đó, tiến hành ủ 3 ngày để tăng nhiệt độ làm chín bông, nhằm diệt vi khuẩn nấm mốc gây bệnh.
Tận dụng mùn cưa và bông vải trồng nấm rơm giúp HTX vừa tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Sản xuất nấm từ nguyên liệu bông vải ít tốn công hơn so với việc sản xuất từ nguyên liệu rơm rạ và quan trọng là năng suất nấm đạt cao hơn. Trung bình mỗi kg bông nguyên liệu thu hoạch được 6 - 7 lạng nấm (cao hơn 2 - 3 lạng so với nguyên liệu rơm rạ).
Bông vải là nguyên liệu dễ hút ẩm và giữ ẩm tốt hơn rơm, nên trong quá trình sản xuất, HTX không phải tưới nước nhiều lần như trước. Bên cạnh đó, nếu tuân thủ đúng quy trình làm sạch, khử trùng, độ an toàn VSTP của nấm trồng trên bông vải cũng cao hơn so với nấm trồng bằng rơm, rạ.
Nấm rơm trên bông vải của HTX cho thu hoạch sau 12 ngày và thu hoạch liên tục trong khoảng 1 tháng. Sau 1 tháng, HTX lại tiếp tục dùng bông thải cũ để ủ giống. Để bảo đảm nguồn dinh dưỡng cho nấm phát triển, cứ sau mỗi lần dùng lại bông vải, HTX đã bổ sung thêm phân bón vi sinh và làm sạch đất để nấm phát triển bình thường.
![]() |
Giám đốc Nguyễn Duy Hưng kiểm tra sự phát triển của nấm
Áp dụng kỹ thuật
Sản phẩm nấm rơm được trồng trên bông vải và mùn cưa thải của HTX hiện rất được nhiều người ưa chuộng. Với giá bán 80.000 - 140.000 đồng/kg, mô hình nấm rơm của HTX đem về nguồn lợi nhuận hàng trăn triệu đồng mỗi năm, chưa kể các loại nấm khác.
Anh Nguyễn Duy Hưng cho biết trước đây, người dân thường sản xuất liên tục theo thói quen, không có thời gian làm sạch môi trường. Bã thải sau khi thu hoạch thường đổ đống, không xử lý, tạo thành ổ dịch bệnh nên hiệu quả thấp.
Hiện nay, HTX thực hiện trồng nấm theo đúng quy trình, tỷ mỷ và cẩn thận từng bước. Cứ sau khoảng 2 - 3 tháng, HTX sử dụng dung dịch diệt khuẩn để diệt mầm bệnh, làm sạch môi trường trong 7 - 15 ngày rồi mới tiếp tục sản xuất.
Nấm là loài thường bị mắc các bệnh mốc dại như mốc xanh, trắng hoặc hoa cau. Bào tử của những loại mốc này có nhiều trong không khí. Nếu không được khử trùng kỹ lưỡng, khi cấy giống, bào tử mốc sẽ rơi vào bịch nấm và gây bệnh. Vì vây, tất cả bã thải được HTX xử lý bằng chế phẩm sinh học để không trở thành nơi trú ẩn của các mầm bệnh.
HTX cũng mạnh dạn đầu tư máy sàng nguyên liệu dăm, mùn cưa (để loại bỏ dăm nhọn có thể làm hỏng bịch), hệ thống phun sương, nồi hấp thanh trùng nguyên liệu, máy sấy và máy đóng túi để tăng năng suất và hiệu quả sản xuất.
“Việc sử dụng máy móc để đóng túi, cấy và ươm sợi sẽ khắc phục được ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sự phát triển của giống, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và chủ động điều khiển sự phát triển của nấm”, Giám đốc HTX cho biết.
Không chỉ tiết kiệm tối đa nguồn nguyên liệu trồng nấm, phương pháp trồng nấm rơm của HTX còn bảo đảm được yếu tố môi trường, hạn chế dịch bệnh để cây nấm phát triển hiệu quả và bền vững.
Như Yến