Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2014, diện tích chè cả nước đạt khoảng 132.100 ha (tăng 3,4 % so với năm 2011). Lâm Đồng là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với 21.900 ha. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Thái Nguyên có 20.800 ha, Hà Giang 20.500 ha, Phú Thọ 16.300 ha, Yên Bái 11.500 ha.
Sản lượng chè xanh của Việt Nam hiện nay đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Mặc dù vậy, giá chè XK của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 60 - 70% so với giá chè trung bình của thế giới, thị trường XK không ổn định.
Bất cập trong tổ chức sản xuất
Ts. Đặng Văn Thư - Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá chè của Việt Nam thấp là do nghi ngại về tồn dư hóa chất độc hại, chất cấm trong sản phẩm chè, dẫn đến nhiều lô hàng bị trả về, sản phẩm bị ép giá… Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), từ năm 2015 đến nay, Đài Loan cảnh báo 35 lô hàng trà Việt Nam (xanh, đen, Ô long) bị phát hiện tồn dư thuốc BVTV.
Để nâng cao chất lượng chè XK, nhiều địa phương đã chú trọng đến phát triển các vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo quy hoạch, tính đến năm 2020, tổng diện tích chè áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn GAP khác tại 7 tỉnh trồng chè trọng điểm trong cả nước, gồm: Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An, Lâm Đồng khoảng 52.200 ha.
Trong đó, các tỉnh quy hoạch diện tích chè áp dụng tiêu chuẩn VietGAP với tỷ lệ cao gồm Lâm Đồng 100% tổng diện tích, Yên Bái 70,4%, Lào Cai 50%, Phú Thọ 41,93%. Đến nay, 15 tổ chức chứng nhận VietGAP cho chè búp tươi được Cục Trồng trọt chỉ định đã chứng nhận cho 197 cơ sở sản xuất chè, với diện tích khoảng hơn 9.300 ha, ước đạt khoảng 790,5 tấn.
Sản xuất chè an toàn dù được quan tâm, nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản, khiến diện tích chưa được nhân rộng. Đại diện Cục Trồng trọt nhận định, tổ chức sản xuất chè an toàn còn bất cập, chưa giữa việc liên kết giữa DN chế biến và người trồng chè. Nhiều cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu, thường không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu. Việc lạm dụng thuốc BVTV còn phổ biến ở nhiều vùng chè.
Kết quả điều tra của Cục BVTV cho thấy trong sản xuất chè, nông dân trực tiếp canh tác là người phun thuốc BVTV. Vẫn còn khoảng 10% nông dân sử dụng thuốc không đảm bảo thời gian cách ly. Nông dân sử dụng thuốc với nồng độ cao hơn hướng dẫn chiếm 49%, 64% nông dân pha hỗn hợp 2 loại thuốc khi phun và có 14% nông dân hỗn hợp 3 loại thuốc khi phun trong khi nông dân không hề biết việc hỗn hợp làm tăng nồng độ thuốc lên rất nhiều lần; gần 50% nông dân phun trên 7 lần/vụ, có những hộ nông dân phun tới 4 lần/tháng gây lãng phí trong sử dụng thuốc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới thiên địch và mất ATTP cho sản phẩm chè. Cùng với tình trạng sử dụng thuốc tùy tiện, nồng độ cao hơn quy định, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng trên chè là nguyên nhân chính dư lượng thuốc trên sản phẩm chè cao như hiện nay.
![]() |
Một mô hình trồng chè theo VietGap ở Thái Nguyên
Khó khăn lớn ở nguyên liệu
Bà Đỗ Thị Đức Lý - công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình, phản ánh điều khó khăn đối với hầu hết các DN sản xuất chè sạch là nguyên liệu. Chất lượng chè nguyên liệu chưa đồng đều, số lượng cung cấp không ổn định, tồn dư hóa chất BVTV trong chè vượt qua tiêu chuẩn cho phép dẫn đến nhà sản xuất khó chủ động trong chế biến, sản phẩm không có tính cạnh tranh cao, điển hình như ở thị trường châu Âu.
Mặt khác, diện tích trồng chè đúng quy trình kỹ thuật bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGap chưa được quản lý giám sát chặt chẽ, sản phẩm khó phân biệt với các sản phẩm có chất lượng thông thường chưa được chứng nhận.
Trong định hướng phát triển chè an toàn của Bộ NN&PTNT, việc sản xuất, chế biến chè phải gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn. Theo đó, vùng có độ cao dưới 500m so với mặt biển, định hướng chè năng suất cao, an toàn phục vụ cho chế biến chè đen, với diện tích khoảng 80.000ha, tập trung ở các vùng trung du và núi thấp của các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh… Vùng có độ cao từ 500 đến dưới 800m, định hướng phát triển chè chất lượng cao và an toàn để chế biến chè xanh và chè đen cao cấp, tập trung phát triển ở các vùng núi của các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai…
Vùng có độ cao trên 800m và một số vùng chè đặc sản như ở Thái Nguyên, định hướng phát triển sản xuất chè chất lượng cao, chè Ô long như các tỉnh Lâm Đồng, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu... Cơ cấu sản phẩm chè đen khoảng 45%, chè xanh khoảng 40%, chè Ô long và các loại chè khác khoảng 15%.
Thu Hường