Huyện Duy Xuyên (Quảng nam) đã xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung tại thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn) để chuyển toàn bộ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn xã Duy Trinh, Duy Trung, Duy Sơn về đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập xung quanh vấn đề này.
Chưa đồng tình
Bình quân mỗi ngày ông L.V.T. (thôn Đông Yên, xã Duy Trinh) mổ 2 con lợn ở ngay trong vườn nhà. Riêng vào các dịp lễ, tết tăng lên 4 - 5 con. Ông không mấy quan tâm khi khu giết mổ gia súc tập trung ở xã Duy Sơn được đưa vào sử dụng bởi cho rằng, dù xưa nay giết mổ nhỏ lẻ nhưng đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. "Tôi mổ ở nhà quen rồi, chi phí không bao nhiêu. Giờ vào khu tập trung đó, tôi phải nộp 31.000 đồng/con lợn và phải vận chuyển gia súc đi một quãng đường dài nên rất tốn công", ông T nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là nguyên nhân chính khiến các hộ giết mổ nhỏ lẻ như ông T, thuộc địa bàn xã Duy Trinh, Duy Trung, Duy Sơn không mặn mà với khu giết mổ gia súc tập trung.
![]() |
Kiểm dịch thịt gia súc trước khi đưa ra thị trường
Có mặt tại khu giết mổ tập trung ở thôn Chiêm Sơn, chúng tôi thấy bảng ghi tổng hợp số lượng heo giết thịt chỉ vài con/ngày với khoảng 300kg thịt. Trong khi đó, theo các ngành chuyên môn, mỗi ngày lượng thịt heo tiêu thụ trên địa bàn 3 xã Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Trung lớn hơn gấp nhiều lần con số ấy.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc HTX Duy Sơn 2, cho biết khu giết mổ tập trung này được xây dựng trên diện tích hơn 1.000m2 với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng, HTX Duy Sơn 2 góp 500 triệu đồng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2013.
Theo ông Tấn, năm 2014, khu giết mổ hoạt động khá èo uột. Mãi đến khi các ngành chức năng của huyện và xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thì tình hình được cải thiện. Tuy nhiên, trong số 19 hộ làm nghề buôn bán, giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở 3 địa phương trên, hiện chỉ có 6 hộ thường xuyên chấp hành đúng quy định.
Cần kiên quyết xử lý vi phạm
Theo ông Nguyễn Văn Tấn, HTX Duy Sơn 2 đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của những chủ lò giết mổ nhỏ lẻ trong việc thay đổi thói quen cũ. Cạnh đó, đề nghị ngành cấp trên hỗ trợ một phần kinh phí để cùng với HTX chi trả một số khâu phục vụ công tác giết mổ.
Theo tìm hiểu, trước năm 2011, Duy Xuyên có 142 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Thực hiện Chỉ thị số 23 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, huyện đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại còn 19 cơ sở, tập trung nhiều nhất tại xã Duy Thành, Duy Vinh, Duy Phước, Duy Hòa, thị trấn Nam Phước và một khu giết mổ gia súc có quy mô lớn ở xã Duy Sơn.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên, nói: "Qua một thời gian đi vào hoạt động, khu giết mổ gia súc tập trung tại thôn Chiêm Sơn vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Nhiều hộ tiếp tục chây ì, giết mổ tại nhà, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi".
Hoài Nhi