Tại tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách”, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 10/5, Gs. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng quản lý chất thải công nghiệp đang có vấn đề.
Quy chuẩn môi trường ở mức thấp
Theo Gs. Đặng Hùng Võ, mặc dù chưa có kết luận chính thức nguyên nhân cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung thời gian qua, nhưng dư luận có quyền đặt nghi vấn Formosa, bởi công nghiệp thép, nhiệt điện khu vực ven biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước biển.
“Về nghi vấn việc Formosa xả thải, chứng cứ thì không có, nhưng trong đầu tôi vẫn tư duy theo hướng liệu có gì tham nhũng ở đây không? Đây là câu hỏi chúng ta có quyền đặt ra. Phải cương quyết là có tham nhũng vặt vãnh ở đâu thì tham nhũng chứ đừng tham nhũng về môi trường, vì hậu quả của nó cực kỳ lớn. Tham nhũng môi trường hôm nay nhận một đồng, thì vài chục năm sau, chúng ta phải trả hàng tỷ đồng. Chúng ta không biết chúng ta hay con cháu chúng ta phải trả giá như thế nào?”, Gs. Đặng Hùng Võ nói.
Ngoài nghi vấn xả thải của Formosa Hà Tĩnh, thực trạng xả thải công nghiệp gây ô nhiễm vẫn luôn là vấn đề nan giải đối với các cơ quan quản lý và nỗi bức xúc của dư luận. Hàng loạt vụ xả thải từng được phát giác trước đây, như của các công ty Vedan, Hào Dương, Tung Kuang, PangRim Neotex… ít nhiều đặt ra những dấu hỏi về sự bất cập, hạn chế của các chính sách, cũng như tình hình thực thi về quản lý, giám sát ô nhiễm công nghiệp.
Theo Gs. Đặng Hùng Võ, gần đây, nhiều nhà khoa học cho rằng quy chuẩn môi trường của Việt Nam ở mức thấp trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế như hiện nay. Quy chuẩn Việt Nam phù hợp với giai đoạn chúng ta đang kêu gọi đầu tư, trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư, nhưng đã đến lúc, chúng ta cần điều chỉnh quy chuẩn, rà soát, nâng cấp để đưa ra quy chuẩn phù hợp với giai đoạn phát triển mới, lựa chọn ngành nghề, kêu gọi đầu tư, chứ không chấp nhận đầu tư bằng mọi giá.
Trái với quan điểm của Gs. Đặng Hùng Võ, ông Nguyễn Xuân Sinh - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), cho rằng việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường của Việt Nam là đã kịp thời và đầy đủ. Tuy nhiên, ông Sinh thừa nhận dù các quy định và công cụ đã có nhiều và chặt chẽ, nhưng thực tiễn thực hiện kiểm tra, giám sát vẫn còn rất nhiều bất cập.
![]() |
Cá chết hàng loạt trên sông Bưởi do ô nhiễm
Chìa khóa thực thi bảo vệ môi trường
Trừ những DN đến từ Nhật Bản, châu Âu có ý thức tuân thủ về quy trình xả thải, còn lại những DN đến từ châu Á, trong đó có cả Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan... ý thức bảo vệ môi trường “kém hơn nhiều”. Đối với trường hợp Formosa, ông Sinh đề nghị “yêu cầu công ty này xả nước thải ra một kênh hở để có thể nhận biết được”.
Nhìn nhận vấn đề quản lý môi trường từ vụ Formosa, Ts. Trần Hiếu Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, khẳng định: “Vụ Formosa là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đó là vì chúng ta tham về kinh tế quá, nóng vội lợi nhuận kinh tế quá mà giờ mắc bẫy. Chúng ta làm chưa đi đôi với nói. Chúng ta đã cố quy hoạch môi trường, nhưng nhất thể hóa xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương còn thiếu. Chẳng hạn với vấn đề nước thải, đã có hơn 50% trong tổng số 63 tỉnh, thành có quy hoạch phát triển xử lý nước thải, nhưng chưa bám sát thực tiễn”.
Để quản lý tốt môi trường, Ts. Nhuệ cho rằng vấn đề quan trọng là ý thức trách nhiệm của những “ông chủ” nhà máy phải kèm theo sự giám sát từ người dân địa phương. Nếu DN, các “ông chủ” cố tình không tuân thủ, thì có giám sát đến mấy cũng không đủ thời gian, không đủ năng lực để giám sát cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh đó, đi đôi với khuyến khích, cần tăng mức xử phạt về kinh tế với chủ thể vi phạm.
Nhấn mạnh về chức năng giám sát trong thực thi pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT), Gs. Đặng Hùng Võ khẳng định, hiện nay, một trong những công cụ rất quan trọng của việc thực thi BVMT là câu chuyện giám sát kiểm tra của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và của người dân.
Theo Gs. Đặng Hùng Võ, cần kiện toàn lại hệ thống giám sát, mở rộng quyền giám sát cho các tổ chức xã hội, cho người dân được tham gia trực tiếp; các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường phải chịu trách nhiệm tiếp nhận ý kiến giám sát của người dân cùng với đó là trách nhiệm giải trình.
“Các cơ quan chức năng cần sửa đổi Luật BVMT, cho phép người dân, các tổ chức xã hội dân sự vào giám sát môi trường. Nên thiết lập hệ thống kiểm soát, thanh tra, kiểm tra đồng bộ, chịu sự giám sát của cả cơ quan nhà nước, người dân và các tổ chức xã hội dân sự”, Gs. Đặng Hùng Võ kiến nghị.
Thu Hường