Theo UBND huyện Tuy An, hiện chất thải rắn phát sinh trên địa bàn chủ yếu từ các hộ gia đình và hai tổ chức (gồm Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An và Nhà máy ôtô JRD), khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt gần 40 tấn/ngày.
Nỗ lực làm sạch môi trường
Trên địa bàn huyện có 2 đơn vị thu gom rác thải, là Đội Quản lý đô thị và môi trường, tổ chức thu gom tại 6 xã An Dân, An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Mỹ, An Chấn và thị trấn Chí Thạnh, với tần suất 2 buổi/tuần; riêng xã An Ninh Tây, do HTX nông nghiệp của xã phụ trách, thu gom với tần suất 3 lần/tuần.
Tại huyện Đồng Xuân hiện có 3 mô hình thu gom chất thải rắn sinh hoạt tạm thời, được triển khai ở trung tâm 3 xã Xuân Lãnh, Xuân Phước và Xuân Sơn Nam. Đối với các xã còn lại, gồm Xuân Long, Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, để đạt tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí để các xã này xây dựng các bể thu gom rác tạm thời tại khu vực trung tâm và bãi rác tập trung của xã để xử lý.
Ông Đặng Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, bãi rác thị trấn La Hai tại khu phố Long Thăng đã quá tải, không đáp ứng được khả năng xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận. Còn bãi thu gom rác thải sinh hoạt tạm thời tại trung tâm 3 xã Xuân Lãnh, Xuân Phước, Xuân Sơn Nam đang hoạt động hiệu quả. Hoạt động thu gom rác tại các xã này được người dân đồng tình hưởng ứng, góp phần hạn chế vứt rác thải bừa bãi, cải thiện môi trường sống”.
![]() |
Mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Đồng
Hiệu quả rõ rệt
Qua khảo sát thực địa các điểm tập trung rác tại xã Xuân Phước, Xuân Sơn Nam và Xuân Quang 3, Sở TN&MT nhận thấy hầu hết hộ dân mang rác bỏ tập trung tại các điểm hẹn để xe vận chuyển rác của huyện đến chở đi xử lý, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 70%.
Do đó, tại các xã này, Sở TN&MT chỉ đề xuất hỗ trợ xe vận chuyển rác và thiết bị xử lý rác hợp chuẩn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Còn các xã An Cư và An Mỹ, là nơi tập trung đông dân cư, nhưng rác sinh hoạt chỉ được thu gom tại các trục đường chính, với tỷ lệ thu gom đạt khoảng 60%. Tại các hẻm nhỏ, chất thải rắn chưa được thu gom, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Bà Lê Đào An Xuân - Phó Giám đốc Sở TN&MT Phú Yên, cho biết: Qua khảo sát, Tổ PTBV về TN&MT đã quyết định chọn hai xã An Mỹ và An Cư để triển khai, nhân rộng mô hình. Theo đó, tại hai xã này, tổ sẽ tập huấn, tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thu gom chất thải rắn nông thôn.
Tổ PTBV về TN&MT sẽ hỗ trợ địa phương thành lập tổ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, trang bị xe thu gom rác đẩy tay, hỗ trợ lương ban đầu cho công nhân thu gom rác; đồng thời cung cấp trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân cho công nhân vệ sinh và các chế phẩm sinh học...
Theo bà Xuân, tháng 10/2015, Tổ PTBV về TN&MT đã triển khai mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn tại xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), mang lại hiệu quả rõ rệt. Do đó, tổ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh nhằm hỗ trợ các địa phương cải thiện môi trường ở khu vực đông dân cư, hướng đến mục tiêu PTBV.
Lê Hảo