Vĩnh Lại là HTX có quy mô toàn xã, với hơn 1.825 hộ thành viên, nhưng tiền góp vốn chỉ đạt 870 triệu đồng. Cũng như các HTX kiểu cũ, trong quá khứ, HTX Vĩnh Lại đã từng gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động.
Sau khi nhận thức rõ về bản chất và vai trò HTX kiểu mới, HTX đã chủ động đề ra phương hướng, hoạt động để chuyển đổi theo Luật HTX 2012.
HTX nông nghiệp
Chia sẻ khó khăn vào thời điểm đó, bà Khuất Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, cho biết: “HTX Vĩnh Lại cũng đã gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi theo Luật HTX. Trước thời điểm chuyển đổi, tổng số vốn của HTX chỉ đạt 1,65 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn cố định, vốn lưu động không có. HTX chỉ làm dịch vụ đơn thuần, chủ yếu là dịch vụ nông nghiệp”.
Bằng nội lực của mình, HTX đã dần khắc phục khó khăn và chuyển đổi hoạt động thành công. Đặc biệt, với việc xây dựng HTX trên nguyên tắc “Tự nguyện - tự chủ - tự chịu trách nhiệm - bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX”, 1.820 hộ đại diện 1.820 thành viên đã làm đơn tự nguyện tham gia HTX.
Thực tế, theo mô hình HTX kiểu mới, thành viên có toàn quyền với tài sản của mình, toàn quyền trong hoạt động sản xuất. Họ vào HTX là nhằm mục đích được hỗ trợ về dịch vụ đầu vào của sản xuất và đầu ra của sản phẩm. Thành viên được hưởng lợi ích trong toàn bộ quá trình của sản xuất, tiêu thụ.
Hiện HTX vẫn xác định lấy nông nghiệp làm mũi nhọn phát triển. Để phục vụ cho “mũi nhọn” này, HTX đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi đầu mối trị giá 1,6 tỷ đồng, chủ động tưới tiêu cho toàn bộ diện tích 1.250 ha đất gieo trồng cây hàng năm của xã.
Đồng thời, HTX cũng chủ động cung cấp toàn bộ dịch vụ đầu vào cho thành viên sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất đến việc thu mua sản phẩm. Bên cạnh đó là liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực cho thành viên.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, HTX đã trực tiếp tham gia vào cuộc “cách mạng” dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng KH-KT mới vào việc trồng trọt…
Kết quả, năng suất cây trồng từ 4,6 tấn/ha năm 2008 lên 6,3 tấn/ha năm 2014, bảo đảm an ninh lương thực, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho thành viên, thể hiện rõ vai trò là đòn bẩy thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bên cạnh việc xác định nông nghiệp là mục tiêu mũi nhọn, HTX cũng chủ động mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh khác để tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.
Cơ giới hóa nâng cao hiệu quả sản xuất ở HTX Vĩnh Lại |
Mở rộng dịch vụ
Một trong số đó là cung cấp dịch vụ thủy lợi, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, điện nông thôn; cung ứng vật tư nông nghiệp; sản xuất giống cây trồng, tín dụng nội bộ; bảo vệ thực vật và KH-KT; dịch vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nội đồng; dịch vụ tin học…
Trong đó, xác định được sự cần thiết về cung và cầu vốn của các thành viên, hàng năm, HTX đã triển khai hoạt động Tín dụng nội bộ với mục tiêu giải quyết việc làm cho thành viên, sử dụng vốn vay để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, xuất khẩu lao động.
Đến nay, toàn xã đã có trên 1.000 người đi lao động ở nhiều nước trên thế giới, họ đều có thu nhập cao và có vốn tích luỹ, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế hộ ở nông thôn.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của HTX ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của các thành viên và của thị trường, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tổng doanh thu HTX vài năm trở lại đây luôn ở mức 16 - 17 tỷ đồng/ năm, nộp thuế và ngân sách nhà nước 760 - 800 triệu đồng/năm. Thu nhập ròng của HTX đạt bình quân 480 triệu/năm, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 4,2 tỷ đồng/năm.
Hồng Nhung