ATVSLĐ ở làng nghề chưa thực sự được quan tâm |
Thực tế, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các làng nghề hiện nay, nhất là những làng nghề sử dụng nhiều thiết bị máy móc vẫn chưa được quan tâm, nhiều nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Chủ quan, xem nhẹ
Trong cái nắng ngột ngạt của thời tiết tháng 6, nhiệt độ lên tới 38 - 39oC nhưng những người dân làng nghề mộc Minh Đức (xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, Phú Thọ) vẫn cần mẫn cưa, xẻ những tấm gỗ lớn; đục đẽo, lắp ghép cánh cửa, giường, tủ, bàn ghế để kịp giao hàng cho khách. Mộc vốn là nghề truyền thống của làng, được truyền từ đời này sang đời khác, là “cần câu cơm” kiếm sống chính của mỗi hộ gia đình.
Trong không khí lao động bận rộn ấy, đáng lẽ vấn đề an toàn trong sản xuất phải đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, qua quan sát của chúng tôi, tuyệt nhiên không một ai trong làng nghề sử dụng trang bị bảo hộ lao động (BHLĐ).
Nghề sản xuất đồ mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ ở làng nghề Minh Đức ngày càng phát triển, thị trường tiêu thụ mở rộng, nhiều hộ đã đầu tư cả máy đục điều khiển bằng hệ thống vi tính nhưng còn rất nhiều công đoạn máy móc chưa thể thay thế con người. 90% công đoạn sản xuất/1 sản phẩm phải làm thủ công và làm trực tiếp, do đó người làm nghề luôn phải đối diện với các nguy cơ mất an toàn trong sử dụng thiết bị điện, máy móc làm nghề: Cưa, xẻ, bào, phay..., chưa kể phải đối diện trực tiếp với bụi bẩn, tiếng ồn trong quá trình cưa, xẻ gỗ và mùi hóa chất từ sơn, đánh bóng sản phẩm.
Hiện cả làng có 211 hộ làm nghề với 450 lao động làm việc thường xuyên, nhiều hộ có 3 - 4 thế hệ cùng làm nghề. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Dư Quang Quyết - Trưởng làng nghề, cũng thừa nhận: “Nhiều năm nay vấn đề ATLĐ trong sản xuất hầu như không được các hộ làm nghề quan tâm,cho dù năm nào trong làng nghề cũng có TNLĐ xảy ra. Tuy chưa chết người, nhưng việc người lao động bị máy cắt mất ngón tay không còn là hiếm, kể cả những người đã có kinh nghiệm. Ước tính đối tượng này chiếm 60% lao động chính”.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức
Theo số liệu báo cáo của Chi cục PTNT, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 72 làng nghề, thu hút 21.295 lao động tham gia làm nghề, trong đó lao động thường xuyên là hơn 15.000 người. Trong đó nhóm nguy cơ nhất về mất an toàn trong sản xuất chính là các làng nghề chế biến nông lâm sản, sản xuất đồ mộc.
Về cơ bản, nhiều làng nghề thuộc nhóm này đều chưa đạt yêu cầu về điều kiện làm việc; BHLĐ và ATVSLĐ. Việc tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về ATVSLĐ trong làng nghề chưa nhiều, thậm chí có làng nghề chưa có một lớp tập huấn nào về ATLĐ được tổ chức. Chủ yếu người dân tự làm, tự truyền miệng các biện pháp về ATLĐ mà chưa có các biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc.
Để tăng cường công tác ATVSLĐ và cải thiện môi trường khu vực làng nghề, cần phải có các quy định chặt chẽ về điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các hộ làm nghề, các cơ sở sản xuất. Những cơ sở nào không đảm bảo yêu cầu về ATVSLĐ thì không nên cho hoạt động. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần có sự kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hơn điều kiện làm việc của làng nghề, các quy định về bảo đảm an toàn trong lao động cũng như sức khỏe của NLĐ trong các làng nghề, nhất là các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao.
Cần mở các lớp tập huấn về ATVSLĐ cho các làng nghề, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của NLĐ và chủ SDLĐ trong các làng nghề để họ tuân thủ các quy định về ATLĐ, vệ sinh môi trường, tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Mai Phương