Để giải quyết vấn đề trên, sáng 27/4, Tập đoàn General Electric (GE) đã tổ chức hội thảo “Hệ sinh thái các giải pháp năng lượng cho Việt Nam”, quy tụ hơn 300 đại biểu tham gia.
Cởi mở với những giải pháp mới
Các lãnh đạo GE toàn cầu cùng nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, đã cùng chia sẻ những ý tưởng mới, các tình huống thực tiễn và giải pháp phù hợp để tận dụng cơ hội và giải quyết thách thức đang được đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam.
Ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GE khu vực ASEAN, cho biết: “Việt Nam là quốc gia đầu tiên ra mắt khái niệm hệ sinh thái các giải pháp năng lượng. Bơỉ đây là một trong những thị trường có nhu cầu năng lượng lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia cởi mở với những ý tưởng và giải pháp mới để cung cấp nguồn năng lượng ổn định, bền vững với chi phí hợp lý hơn”.
Dù đang đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển năng lượng tái tạo, nhưng đây vẫn là lĩnh vực mới và nhiều thách thức với Việt Nam trong tương lai. Để đạt mục tiêu tăng trưởng trung bình 10,5% mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và 8% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030, ngành điện Việt Nam cần tập trung hơn vào năng lượng tái tạo.
Nói về vấn đề này, ông Hoàng Tiến Dũng - Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), chia sẻ: “Hiện tại, ngành điện Việt Nam đang tập trung phát triển thủy điện và nhiệt điện, với sự đầu tư mạnh hơn vào việc cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Ví dụ như hệ thống tua-bin khí giúp tăng hiệu suất hơn 60%, giúp ổn định giá thành bán điện. Bên cạnh đó, việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo cũng được chú trọng phát triển”.
![]() |
Việt Nam đã đạt được những thành tựu không nhỏ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
Xu hướng thích xây mới
Bên cạnh những đầu tư về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cũng là vấn đề quan trọng để sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Một trong những “lỗ hổng” lớn nhất của ngành điện là về nguồn nhân lực. Mặt bằng trung của lao động trong ngành điện Việt Nam vẫn còn tương đối yếu, vì vậy chưa thể tận dụng hết những tiềm năng sẵn có. “Nghịch lý là Việt Nam đang đầu tư mạnh cho máy móc và công nghệ, tuy nhiên, nhân lực lại không đủ trình độ để tận dụng hết công dụng của những công nghệ được đầu tư”, ông Anders Maltesen - Giám đốc GE khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh.
Ông Abdrers cũng đưa ra thống kê chỉ ra sự thiếu ổn định trong hệ thống điện Việt Nam: “Mỗi năm Việt Nam mất điện bình quân 38 giờ và khoảng 13 lần. Tỷ lệ này khiến an toàn hệ thống điện tại Việt Nam chưa cao, ảnh hưởng lớn đến phát triển của nền kinh tế. Để đạt mục tiêu phát triển ngành điện 11%/năm và giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi nhiều giải pháp toàn diện và đầu tư mạnh mẽ”.
Từ góc độ của ngân hàng, ông Trần Hồng Kỳ - Chuyên gia năng lượng, Ngân hàng thế giới (WB), cho biết: “WB thường xuyên hỗ trợ các chương trình nâng cấp thiết bị của EVN. Tuy nhiên, các nhà sản xuất điện tại Việt Nam đang có xu hướng thích xây dựng nhà máy mới hơn là nâng cấp các cơ sở hạ tầng cũ. Điều này cần cân nhắc lại. Trước hết, cần cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng có sẵn, trước khi nghĩ tới việc xây dựng những nhà máy mới để đạt hiệu quả cao nhất”.
Dù còn nhiều vấn đề tồn tại, tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia đạt được những thành tựu không nhỏ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần có sự quan tâm đúng mức trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, tránh vết xe đổ của các nước, điển hình như Trung Quốc.
Ông Frederick Burker chia sẻ: “Nhiều quốc gia, điển hình như Trung Quốc, đã bỏ quên năng lượng tái tạo dẫn tới môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện tại, họ mới bắt đầu đầu tư cho lĩnh vực này. Việt Nam đã bắt đầu từ nhiều năm trước và đang đi trước Trung Quốc một bước”.
Hiến Nguyễn