Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo hiệu quả và đi vào thực chất, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 13 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, tập trung vào các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS. UBND tỉnh đã cụ thể hóa các nghị quyết thành các chương trình, chính sách cụ thể như: hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo để cải thiện nhà ở, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế...
Phát huy thế mạnh cây trồng địa phương
Thực tế, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Đắk Nông vẫn còn cao, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chủ yếu đến từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, thiếu liên kết thị trường, chịu nhiều rủi ro từ biến động giá cả và dịch bệnh. Chính trong bối cảnh đó, mô hình HTX đã nổi lên như một giải pháp hiệu quả, giúp người dân đoàn kết, hợp tác, khai thác tối đa tiềm năng của địa phương, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
![]() |
Cây cà phê đang là trợ thủ đắc lực cho công tác xóa đói giảm nghèo ở Đắk Nông. |
Một trong những đóng góp quan trọng nhất của các HTX tại Đắk Nông là khả năng tạo ra công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương trên cơ sở phát triển chính những cây trồng, sản vật địa phương. Thay vì sản xuất đơn lẻ, manh mún, khi tham gia vào HTX, các thành viên có cơ hội cùng nhau xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đơn cử như ở huyện Cư Jút có HTX Bình Minh thành lập năm 2017, tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút. Sau hơn 6 năm hoạt động, HTX đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, HTX đang liên kết với 825 hộ nông dân trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là 1 trong 13 HTX đạt chứng nhận Rainforest Alliance tại Việt Nam.
Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh, ông Lê Anh Sơn, ở thôn Tân Sơn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, chia sẻ rằng Việt Nam hiện là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu cà phê, hồ tiêu. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên đóng vai trò là "thủ phủ" của hai loại nông sản chiến lược này. Để hạt cà phê ở Đắ k Nông có thị trường và phát triển bền vững, đại diện HTX Bình Minh cho rằng các cấp, ngành cần có các phương án giúp ổn định giá nông sản, chẳng hạn, chỉ bán cà phê, hồ tiêu khi cần thiết, việc này giúp giảm áp lực cung ứng ra thị trường, giữ cho giá nông sản luôn ở mức cao.
Không ký gửi nông sản cho các đơn vị thiếu uy tín để đảm bảo rằng sản phẩm của nông dân được bảo quản tốt và không bị mất giá trị. Tránh vay nóng để đầu cơ nông sản, điều này giúp hạn chế rủi ro tài chính và tránh tình trạng ép giá trong lúc thị trường biến động. Giữ bình tĩnh trước biến động giá cả, cùng với đó là khuyến khích nông dân đưa ra quyết định tài chính thông minh thay vì phản ứng hoảng loạn khi thị trường thay đổi.
Cùng nằm trên địa bàn huyện Cư Jút còn có HTX Nông nghiệp Công Bằng Ea Tih (huyện Cư Jút), ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ nông dân trồng cà phê với phương thức canh tác truyền thống, thu nhập bấp bênh. Sau khi thành lập HTX, các thành viên đã cùng nhau đầu tư vào hệ thống tưới tiêu hiện đại, áp dụng các quy trình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ và Fairtrade.
Nhờ đó, năng suất và chất lượng cà phê tăng lên đáng kể, sản phẩm có đầu ra ổn định với giá bán cao hơn. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, đồng thời thu hút thêm nhiều hộ nông dân tham gia, mở rộng quy mô sản xuất. Thu nhập bình quân của các thành viên HTX đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, giúp nhiều gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Thay đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả
Nhờ sự quan tâm của chính quyền mà các sản phẩm của HTX trên địa bàn huyện Cư Jút ngày càng khẳng định vị thế. Hiện huyện có 5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2024 gồm có: bún gấc thiên nhiên của HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà, thị trấn Ea T’ling; trà mãng cầu, trà tía tô, trà ổi của Cơ sở sản xuất trà Organic Tây Nguyên, xã Nam Dong; xoài sấy dẻo của Công ty cổ phần chế biến nông sản Thái An, xã Tâm Thắng.
![]() |
Khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học đang là hướng đi bền vững cho công tác xóa nghèo ở Đắk Nông. |
Câu chuyện ở huyện Cư Jút không phải là hiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, thực tế ở Đắk Nông, sự ra đời và phát triển của các HTX còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường.
Đơn cử như câu chuyện của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (huyện Đắk R’lấp) là một ví dụ điển hình. Trước đây, người dân trong vùng chủ yếu trồng các loại cây truyền thống như lúa, ngô với năng suất thấp và giá trị kinh tế không cao. Nhận thấy tiềm năng của cây mắc ca, HTX đã mạnh dạn tiên phong trong việc đưa cây mắc ca về trồng thử nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên. HTX còn liên kết với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đến nay, cây mắc ca đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ gia đình trong vùng, mang lại nguồn thu nhập cao và bền vững, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu.
Hay như HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Nông nghiệp Đức Mạnh (huyện Đắk Song) đã khuyến khích và hỗ trợ các thành viên chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học. HTX đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, cung cấp giống vật nuôi chất lượng và hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi được nâng cao, giảm thiểu rủi ro và mang lại lợi nhuận ổn định cho các thành viên.
Đẩy mạnh vai trò ‘bà đỡ’
Để các HTX ngày càng phát triển vững mạnh và đóng góp hiệu quả hơn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, vai trò của Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) Việt Nam và đặc biệt là LMHTX tỉnh Đắk Nông là vô cùng quan trọng.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến HTX, đồng thời triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển HTX về vốn, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Trên cơ sở đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Nông giống như một “cánh tay nối dài” của LMHTX Việt Nam tại địa phương, có vai trò trực tiếp trong việc hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh. LMHTX tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Tư vấn, hỗ trợ thành lập và củng cố HTX: Cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục pháp lý, xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh cho các HTX mới thành lập và hỗ trợ các HTX hiện có nâng cao năng lực quản lý, điều hành.
Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn: Nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ quản lý, thành viên HTX về quản trị kinh doanh, kỹ thuật sản xuất, marketing, tiếp cận thị trường. Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, kết nối các HTX với các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển HTX, đồng thời hướng dẫn xây dựng phương án vay vốn hiệu quả. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tổ chức các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm của các HTX, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ. Hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến…
Nhờ sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của LMHTX Việt Nam và LMHTX tỉnh Đắk Nông, các HTX tại Đắk Nông ngày càng trưởng thành và phát triển, khẳng định vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Nhờ đó, góp phần giúp công tác giảm nghèo đạt được kết quả tốt, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống 3,15%, đứng đầu khu vực Tây Nguyên và đứng trong top 10 cả nước về công tác giảm nghèo. Riêng công tác an sinh xã hội, từ thiện, trong năm 2024, tỉnh đã vận động, kêu gọi được trên 80 tỉ đồng. Từ đó xây mới, sửa chữa gần 200 căn nhà, nâng cao đời sống nhân dân và cải thiện chỉ số hạnh phúc (chỉ có 5,5% không hài lòng với cuộc sống hiện tại).
Năm 2025, để thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% trở lên, cùng với đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tỉnh Đắk Nông tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, phấn đấu trước tháng 9/2025, hoàn thành việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 540 hộ theo Chương trình phát động của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến 31/12/2025, hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh.
Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự nỗ lực, sáng tạo của các HTX và thành viên, tin tưởng rằng công tác xóa đói giảm nghèo ở Đắk Nông sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bền vững cho người dân vùng đất bazan giàu tiềm năng này. Các Hợp tác xã sẽ tiếp tục là những "cánh chim đầu đàn", dẫn dắt cộng đồng vươn lên, khẳng định vị thế quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đức Anh