Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên) đã tiến hành lấy ba mẫu hóa chất được người dân mua ở các tiệm tạp hóa ở phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) để nhuộm đỏ ruốc về kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong ba mẫu trên, có mẫu bột màu đỏ cánh sen, là phẩm màu Rhodamine B, bị cấm sử dụng trong thực phẩm, do là hợp chất hóa học có thể gây độc cấp và mãn tính.
Tác hại khôn lường
Theo người dân tại các vùng ven biển, ruốc khi được kéo từ biển về bờ rồi đem phơi thì có màu tái, không đẹp mã dẫn đến khó buôn bán. Do vậy, người dân, thương lái nhuộm ruốc bằng phẩm màu cho con ruốc sáng màu lên, trông bắt mắt hơn.
Theo kết quả kiểm nghiệm ba mẫu phẩm màu của Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm - thủy sản Phú Yên, mẫu bột màu đỏ gạch Sunset yellow FCF (E110), Ponceau 4R (E124) và mẫu bột màu đỏ Ponceau 4R (E124) là hai loại phẩm màu nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm có chức năng làm phẩm màu và được phép sử dụng. Riêng mẫu bột màu đỏ cánh sen Rhodamine B là loại phẩm màu không được phép sử dụng.
Theo Bộ Y tế, Rhodamine B là một hợp chất hóa học có cấu tạo phân tử là C28H31ClN2O3. Đây là một thành phần của phẩm màu công nghiệp. Khi sử dụng phải chất Rhodamine B sẽ gây độc cấp và mãn tính. Nếu tiếp xúc, sẽ gây dị ứng hoặc làm mẩn ngứa da; qua đường hô hấp, sẽ gây ho, ngứa cổ, khó thở, đau ngực; qua đường tiêu hóa, sẽ gây nôn mửa… Nếu tích tụ dần trong cơ thể, chất trên gây nhiều tác hại đối với gan, thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh, có thể gây ung thư. Ngoài ra chất này còn được sử dụng như thuốc nhuộm đánh dấu vết để xác định hướng và lưu tốc của dòng chảy. ..
Theo Ts. Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), hóa chất Rhodamine B dùng trong công nghiệp nhuộm vải thường bền màu, giá rất rẻ chỉ dưới 20.000 đồng/100g, nên người dân thường dùng để sử dụng nhuộm hạt dưa, tương ớt, vịt gà quay... Ngoài ra còn dùng để nhuộm thuốc đông y, như Chi tử. Người dân mua hóa chất về rồi pha nước, đổ lên thực phẩm và phơi khô hoặc bán luôn như đối với ruốc ở Phú Yên. Khi ăn phải, nếu gan kém, có thể gây dị ứng tức thì, nổi mẩn da, xung huyết. Còn tích tụ lâu ngày có thể gây tổn thương gan, thậm và làm nguy cơ ung thư tăng cao.
Hiện nay, có hàng nghìn hóa chất đang tồn tại trên thị trường, rất dễ mua, bán là một sự đe dọa đối với ATTP.
![]() |
Người dân dùng hoá chất để nhuộm ruốc
Cơ quan chức năng nói gì?
Ts. Trần Đáng cho biết việc buôn bán các hóa chất phụ gia nói chung, phụ gia thực phẩm nói riêng không bị ngăn cấm, ai bán cũng được, ai mua cũng được mà không cần biết người ta mua để làm gì. Các luật điều chỉnh liên quan đến VSATTP cũng chỉ cấm sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm, chứ không cấm mọi người mua bán. Vì lợi nhuận khổng lồ, nhiều người sản xuất, chế biến vẫn tự do mua hóa chất độc hại về làm phụ gia thực phẩm.
Chính vì vậy, rất cần sự quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc của các cơ quan chức năng về việc mua bán các chất tạo màu hóa học. “Bởi hành động dùng thuốc nhuộm ruốc không chỉ thể hiện việc làm ăn gian dối mà còn là hành vi đầu độc cả cộng đồng”, PGs.Ts. Nguyễn Duy Thịnh Viện - Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc nhuộm ruốc, việc dùng hóa chất trong thực phẩm, qua đó, người dân sẽ thay đổi phương thức làm ăn, không sử dụng hóa chất tạo màu, trong chăn nuôi và buôn bán.
NTD cũng cần nâng cao nhận thức, cảnh giác với những thực phẩm có màu sắc bắt mắt, thời hạn sử dụng lâu dài; cần tránh mua những loại ruốc có màu đỏ tươi quá mức, hoặc có mùi hôi thối; tránh mua ruốc đã được phơi khô mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Như Yến