Nhằm tạo thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ cá lồng, năm 2014, HTX Ngọc Minh ra đời đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như người dân địa phương.
Từ lợi ích kinh tế
Xã Hiền Lương được đánh giá là có lợi thế trong việc phát triển kinh tế bằng nuôi trồng thủy sản, vì có đầm Vân Hội với diện tích mặt nước trên 400ha. Đầm Vân Hội không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho Hiền Lương và một số xã lân cận, mà còn là nơi lý tưởng để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng.
Tận dụng lợi thế đó, HTX đã cải tạo 3ha mặt nước, đóng bè, lồng và mua 25 lồng cá giống. Trong đó: 9 lồng cá diêu hồng 4 vạn con; 1 lồng cá trắm đen 1.500 con; 15 lồng cá lăng giống trên 15 vạn con.
HTX đã thống nhất liên kết giữa các hộ nuôi trong tổ ký kết hợp đồng từ dịch vụ đầu vào, lấy giống tại các cơ sở uy tín, bảo đảm chất lượng, hợp đồng với các công ty thuốc, thức ăn cung ứng cho các thành viên sử dụng giảm giá thành sản xuất.
Trong quá trình sản xuất, HTX thực hiện đúng quy trình nuôi, bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời tìm kiếm các thị trường đầu mối để liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, HTX đã có tổng số 50 lồng cá, mỗi lồng có diện tích 36m2 và 1 ao cá giống rộng 3.600m2.
Hằng năm, HTX cho thu hoạch khoảng 20 - 25 tấn cá diêu hồng, 3 tấn cá lăng, trên 3 tấn cá trắm đen. Hiện, các lồng cá của HTX đang được đánh giá là có triển vọng tốt và sẽ cho thu hoạch cao hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc HTX, cho biết: Ưu điểm của nuôi cá lồng là tiết kiệm được diện tích mặt nước. Mỗi lồng nuôi trên sông (thể tích 100m3) có thể cho năng suất tương đương với 1ha ao đất: từ 8 - 10 tấn/lồng/chu kỳ nuôi.
![]() |
HTX đã cho thấy tiềm năng và hiệu quả của việc nuôi cá lồng
Đến lợi ích môi trường
Do lưu lượng nước thay đổi liên tục vì phụ thuộc vào các con sông lớn đầu nguồn, nên môi trường nuôi cá trên đầm sạch hơn. Cá vì thế cũng ít bị nhiễm bệnh, năng suất cao so với cách nuôi truyền thống. Hơn thế, cá nuôi lồng nhanh lớn, cho chất lượng cao, bán được giá, nhanh thu hồi vốn.
Công tác phòng, chữa bệnh cho cá vẫn được HTX triển khai đồng loạt, quy mô, mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn. Các lồng cá được đặt so le nhau để thuận tiện cho quá trình vệ sinh mỗi tuần một lần bằng bàn trải.
Mỗi lồng cá đều được treo 1 - 2 túi vôi (2 - 3kg) để làm sạch nước. Sau mỗi đợt thu hoạch, HTX tiến hành đưa lồng lên bờ, vệ sinh bằng nước vôi sau đó phơi khô 1 - 2 ngày.
Công tác kiểm tra lồng, tình hình cá phát triển được tiến hành hàng ngày để phát hiện kịp thời những bất thường để có biện pháp xử lý nhanh chóng. Tùy vào biên độ nước, HTX tiến hành neo đậu, chuyển lồng đến vị trí thích hợp, an toàn. Vì thế mà môi trường nuôi cá của HTX luôn được bảo đảm, tình trạng cá mắc dịch bệnh không hề xảy ra.
Việc đánh giá nhu cầu của thị trường sao cho sát thực tế hơn, bảo đảm đầu ra ổn định để các thành viên yên tâm phát triển, mở rộng quy mô nuôi cá lồng cũng được HTX quan tâm.
HTX cũng cùng các ban ngành địa phương vận động, tuyên truyền cho các thành viên và người dân nâng cao ý thức, không xả thải bừa bãi ra các đầm, sông trên địa bàn, ảnh hưởng đến nuôi cá lồng.
Nhờ phát triển nghề nuôi cá lồng đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo. Những thành công của HTX Ngọc Minh đã mở ra hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, tạo nhiều việc làm ổn định, có thu nhập cao cho người nông dân, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Đặc biệt, hiệu quả của HTX cũng là nguồn động lực để nhân rộng nhiều mô hình HTX khác trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Như Yến