Bà Lộc Thị Thu Hường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến thông tin, toàn bộ diện tích trồng dâu nuôi tằm của xã bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 hồi tháng 9/2024. Trong tổng số gần 10 ha dâu tằm thì có đến 90% diện tích chết do ngập úng và bùn đất vùi lấp. Ngay sau khi lũ rút, xã đã động viên, hỗ trợ bà con chăm sóc diện tích dâu còn sống, đồng thời san gạt, khôi phục lại những diện tích bị vùi lấp... Đến nay, bà con đã đăng ký nhu cầu giống dâu để khôi phục sản xuất trên diện tích 24 ha.
Khôi phục lại “màu xanh”
Được biết, trồng dâu nuôi tằm là một trong những cây, con chủ lực của Việt Tiến, đem lại nguồn thu cao và ổn định. Ước tính, mỗi ha cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng (tùy từng thời điểm cũng như chất lượng kén), đời sống của các hộ trồng dâu nuôi tằm không những ổn định mà còn được nâng lên nhiều.
Một điều khác biệt nữa khi trồng dâu nuôi tằm là không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn hỗ trợ cải thiện môi trường sinh thái. Với các cây, con khác, quá trình sản xuất có thể phải sử dụng hóa chất để diệt trừ sâu bệnh, nhưng với cây dâu tằm thì tuyệt đối không sử dụng. Cây dâu cần thật sự sạch và an toàn để không bị ảnh hưởng đến con tằm, bởi tằm là sinh vật rất mẫn cảm với điều kiện sống, từ nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đến không khí, đặc biệt là thức ăn... đều tác động trực tiếp đến sự sống cũng như chất lượng kén của tằm.
![]() |
Đời sống của các hộ trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Tiến không những ổn định mà còn được nâng lên nhiều. |
Ông Bùi Văn Phong, thôn Cóc Kiểng, xã Việt Tiến chia sẻ, gia đình ông trước đây chủ yếu trồng ngô, lúa nhưng năng suất đem lại không cao. Năm 2017 - 2018, sau khi được cán bộ huyện, tỉnh và tập huấn kỹ thuật nuôi tằm trong thời gian khoảng 60 ngày, gia đình ông bắt đầu chuyển đổi sang trồng dâu lấy lá nuôi tằm bán kén trên diện tích gần 1ha.
Những năm đầu tiên nuôi chưa đạt hiệu quả lắm do thiếu kinh nghiệm chăm sóc con tằm nên tằm bị bệnh dẫn tới năng suất, chất lượng không được như mong muốn. Chưa kể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá bán sản phẩm kén bấp bênh, đầu ra cho sản phẩm từ việc nuôi tằm gặp khó… Bởi vậy, nhiều hộ dân đã bỏ không trồng dâu và nuôi tằm nữa.
Để từng bước khắc phục những khó khăn trong quá trình nuôi tằm, ông đã được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tập huấn thêm kỹ thuật nuôi tằm từ nhiều địa phương khác. Nhờ vậy, gia đình ông Phong cùng một vài hộ dân khác trong xã đã cố gắng duy trì kiên định mô hình trồng dâu lấy lá nuôi tằm và gặt hái được thành quả.
Hiện, gia đình ông Phong có 2 nhà nuôi tằm, với quy mô diện tích khoảng 170m2, ông Phong đã tận dụng một nhà để nuôi tằm giống vừa phục vụ giống tại chỗ cho gia đình, vừa giúp cho các hộ dân khác trong thôn, xã có nhu cầu có thêm con giống cùng nuôi.
Theo ông Phong, trung bình 2 tháng sẽ nuôi được 3 lứa, mỗi lứa sẽ xuất bán được 80kg kén, giá bán 160.000 đồng/kg, thu về hơn 12 triệu đồng/lứa. Một năm nuôi được 9 lứa (nuôi từ tháng 3 đến tháng 10), thu về hơn 100 triệu đồng. So với trước đây thì giá cao hơn nhiều.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác các loại cây trồng năng suất thấp sang trồng dâu lấy lá nuôi tằm đã giúp gia đình ông Phong và nhiều hộ dân trong vùng có cuộc sống khấm khá, vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã còn trên 15%.
HTX ký kết thu mua tận nhà
Để giúp các hộ dân trong xã Việt Tiến trồng dâu, nuôi tằm tiêu thụ sản phẩm kén tằm với giá cả ổn định, cuối tháng 8/2023, cùng với sự giúp đỡ của HTX Liên minh tỉnh, huyện Bảo Yên đã ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kén tằm với HTX nấm Tam Đảo.
Theo đó, những hộ tham gia trồng dâu nuôi tằm còn được HTX Nấm Tam Đảo cung ứng cây dâu giống, tằm giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm kén tằm theo giá thỏa thuận (bình quân dao động từ 80.000 đồng - 150.000 đồng/kg kén), vì vậy người dân rất yên tâm.
Không chỉ vậy, HTX Nấm Tam Đảo đã cùng tỉnh Lào Cai và Liên minh HTX tỉnh nhân rộng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ kén tằm cho người dân ở địa bàn huyện Bảo Yên có diện tích đất canh tác có thổ nhưỡng phù hợp với cây dâu cũng như môi trường nuôi tằm. Hiện nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã có mặt ở các xã như Kim Sơn, Nghĩa Đô, Cam Cọn, Việt Tiến, Bảo Hà.
Trong dịp đầu Xuân Ất Tỵ, HTX Nấm Tam Đảo đã hỗ trợ gần 20.000 cây dâu tằm giống chất lượng cho người dân huyện Bảo Yên. Đại diện HTX Nấm Tam Đảo cho biết HTX tự tin sản lượng kén tằm tại huyện Bảo Yên dự kiến sẽ đạt 50 - 60 tấn trong năm 2025.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai và HTX Nấm Tam Đảo trồng dâu nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ 2025. |
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc HTX Nấm Tam Đảo, để khôi phục và phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Yên, được sự trợ giúp từ Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam, HTX đã đến tận nơi cung cấp giống dâu mới, con giống chất lượng, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu theo hình thức HTX đầu tư trước, sau đó trừ dần khi thu hoạch kén tằm. Bên cạnh đó, HTX cùng đến, cùng làm, hỗ trợ kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc” đến khi bà con nắm vững kỹ thuật sản xuất.
Từ một héc ta cây dâu thâm canh lại để nuôi tằm thử nghiệm, đến nay, toàn huyện Bảo Yên đã khôi phục và phát triển vùng dâu tằm đạt diện tích 31,1 ha. Cùng với việc thu mua kén tằm lấy nhộng sản xuất đông trùng hạ thảo, HTX Nấm Tam Đảo cũng phối hợp với các đối tác thu mua toàn bộ sản lượng kén tằm cho nông dân huyện Bảo Yên. Đến thời điểm hiện tại, ước thu nhập bình quân từ trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Yên đạt 145,8 triệu đồng/ha (khi giá kén ổn định 120.000 đồng/kg).
“Chúng tôi sẵn sàng ký kết hợp đồng tiêu thụ kén tằm thông qua HTX, Tổ hợp tác ở các xã, thậm chí có thể ký kết với từng hộ dân. HTX cam kết thu mua với giá bình ổn (120.000 đồng/kg kén), biên độ dao động theo tình hình thực tế của thị trường nhưng không dưới 80.000 đồng/kg. HTX cũng cam kết bao tiêu toàn bộ kén tằm nên bà con có thể yên tâm phát triển sản xuất và gắn bó lâu dài với nghề trồng dâu nuôi tằm”, ông Nguyễn Quốc Huy khẳng định.
1 trong 5 cây trồng chủ lực của huyện
Ban lãnh đạo huyện Bảo Yên cho biết, việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm được kỳ vọng sẽ giúp người dân phục hồi sản xuất sau thiên tai, phát triển kinh tế bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Việt Tiến nói riêng và huyện Bảo Yên nói chung.
Thực hiện theo Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cây dâu đang được huyện Bảo Yên xác định là 1 trong 5 cây trồng chủ lực của huyện.
Huyện Bảo Yên đang đề nghị tỉnh Lào Cai nghiên cứu bổ sung cây dâu tằm vào quy hoạch cây chủ lực của tỉnh để có cơ chế hỗ trợ cao hơn, bởi đây là cây tạo sinh kế giúp nông dân Bảo Yên thoát nghèo.
Bảo Yên phấn đấu có 70 ha cây dâu tằm vào năm 2025; năng suất bình quân 30 tấn lá/ha; sản lượng 2.100 tấn lá tươi; năng suất kén trung bình đạt trên 1,2 tấn/ha/năm, ước sản lượng kén đạt trên 102 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 15 tỷ đồng.
Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất quy mô liên huyện để tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tằm tơ của tỉnh.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông và Nước sạch nông thôn tỉnh Lào Cai đã tổ chức triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm phục vụ phát triển ổn định nghề trồng dâu, nuôi tằm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc” năm 2025 tại huyện Bảo Yên.
Theo đó đã có 10 hộ dân đăng ký tham gia mô hình trồng giống dâu lai mới năm 2025. Tại buổi tập huấn, các hộ dân được hỗ trợ tham gia khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương. Đồng thời, được hướng dẫn kỹ về các tiến bộ kỹ thuật mới trong quá trình trồng, chăm sóc dâu, nuôi tằm và liên kết tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất và thu nhập.
Đại diện các các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trong cơ cấu kinh tế nông thôn của địa phương. Chính quyền cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để hỗ trợ bà con trong quá trình triển khai mô hình.
Linh Đan