Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi gia cầm luôn là nỗi bức xúc đối với các cơ quan chức năng và cả người chăn nuôi. Để xử lý vấn đề này, mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi.
Ổn định cuộc sống, bảo vệ môi trường
Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà thịt, gà đẻ bằng đệm lót sinh học đã được áp dụng ở nhiều hộ gia đình. Khi sử dụng nền đệm lót lên men vi sinh, phân và chất thải được phân hủy thường xuyên, làm cho không khí trong chuồng nuôi sạch sẽ và khô ráo hơn, từ đó nâng cao tỷ lệ nuôi sống của gà.
Điển hình như hộ chăn nuôi của ông Trần Văn Nghĩa (Lộc Sơn, Lộc Thuận, Bến Tre) thành công với mô hình chăn nuôi gà bán công nghiệp trên đệm lót sinh học, góp phần ổn định cuộc sống gia đình, bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Trước đây, ông Nghĩa đã từng nghĩ đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng vì ngại mùi hôi sẽ ảnh huởng xấu tới môi trường nên không thực hiện kế hoạch này nữa. Tuy nhiên, đến tháng 6/2013, ông được tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trên đệm lót sinh học tại địa phương với cách thức ủ men Balasa N01 và cám gạo. Từ đây, ông bắt tay đầu tư vào việc chăn nuôi gà bán công nghiệp trên đệm lót sinh học.
Ông Nghĩa thả nuôi 300 gà con, giống gà chủ yếu là gà nòi lai với ưu điểm thịt săn chắc, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông xây chuồng kiên cố, rào lưới xung quanh và ủ gà con bằng bóng đèn. Trên nền chuồng, ông lót trấu hoặc mạt cưa với độ dày 20cm. Đồng thời, ông tiến hành ủ men Balasa N01 và cám gạo với tỷ lệ 1kg men/3 kg cám gạo trong 3 ngày. Tiếp đó, ông rải hỗn hợp này lên mặt trấu trên nền chuồng theo mật độ 1kg hỗn hợp men sinh học trên 40m2. 1 lần cấy men vi sinh này có thể dùng được cho 2 lứa gà thành phẩm.
Theo ông Nghĩa, giá thành của việc ứng dụng đệm lót sinh học thấp, chỉ 100.000 đồng, nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Sản phẩm vi sinh Balasa NO1 đã giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt. Qua đó, giảm tỷ lệ mắc các loại dịch bệnh, đàn gà tăng trọng nhanh, tỷ lệ nuôi sống đạt cao.
Giảm 80% công lao động
Sau hơn 2,5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng từ 1,3 - 1,5kg/1 con, ông Nghĩa cho xuất chuồng. Mỗi lần thu hoạch, trừ đi chi phí thức ăn, thuốc thú y cho gà, ông thu được lợi nhuận trên 10 triệu đồng.
Theo ông Huỳnh Ngọc Ấn ở thị trấn Hòa Vinh (Đông Hòa, Phú Yên), người có thâm niên nuôi gà hơn 10 năm theo hình thức gia trại, mùi hôi từ chất thải chăn nuôi là vấn đề khó giải quyết. Vừa qua, ông Ấn tham gia mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học và nhận thấy nền đệm lót giúp phân hủy hiệu quả chất thải và mùi hôi từ phân gà. Vì vậy, ngoài diện tích chuồng đã làm đệm lót men Balasa N01 theo mô hình, gia đình ông Ấn còn đầu tư vốn làm thêm nền đệm lót sinh học để nuôi 1.200 con gà thịt. Nhờ vậy, hiện nay trại gà của gia đình ông không còn mùi hôi thối như trước đây.
Theo nhiều hộ nuôi gà, chi phí làm nền đệm lót sinh học để nuôi gà khá rẻ. Bình quân 35m2 chuồng nuôi 6.000 con gà sẽ sử dụng 15 bao trấu, 1kg bột sắn và 1kg chế phẩm men Balasa N01 với chi phí khoảng 130.000 đồng. Đồng thời lớp đệm chuồng này sẽ không phải thay trong suốt quá trình nuôi, do đo, giảm tối đa công dọn chuồng và nguyên liệu làm chất độn.
Chăn nuôi trên đệm lót sinh học đã hạn chế việc ô nhiễm môi trường; sự tác động của các vi sinh vật có ích trong đệm lót lên men đã gây ra sự ức chế và tiêu diệt các vi trùng gây bệnh trong chuồng nuôi.
Ngoài những ưu điểm trên, chăn nuôi sử dụng công nghệ đệm lót sinh học còn giúp giảm khoảng 80% công lao động, do trong suốt quá trình nuôi người chăn nuôi không phải dọn chuồng, giảm chi phí tiền điện, tiền mua thuốc thú y, không gây ô nhiễm môi trường chuồng nuôi cũng như môi trường xung quanh.
Thành An