Từ một HTX nhỏ chủ yếu là kinh doanh, sản xuất vật liệu xây dựng, sau khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012, HTX Thắng Lợi chính thức khởi nghiệp lại theo mô hình HTX kiểu mới. Với suy nghĩ muốn mở rộng quy mô phát triển kinh doanh, chị Nga cùng các thành viên HĐQT của HTX bàn bạc thống nhất đầu tư chăn nuôi lợn đen, lợn hương rừng theo phương pháp hữu cơ.
Dự án trang trại lợn
Giám đốc Lý Thị Nga cho biết địa phương có nguồn thức ăn chăn nuôi lợn dồi dào, có lợi thế trong tổ chức sản xuất và cung ứng lợn hương rừng. Vì thế, tháng 10/2015, HTX lập dự án với tổng mức đầu tư 22 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn hương rừng với diện tích 13 ha tại xóm Yên Luật, thị trấn Xuân Hòa.
Trang trại của HTX được quy hoạch xây dựng khoa học, chuồng trại thông thoáng, quy trình chăn nuôi khép kín, biệt lập với khu dân cư, sẵn có nguồn nước bảo đảm vệ sinh. Hạ tầng kỹ thuật phù hợp để phát triển chăn nuôi lợn với số lượng lớn, có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để thực hiện dự án khởi nghiệp đầu tiên cho các thành viên, HTX đã san đất đồi cải tạo mặt bằng 1,8 ha, xây dựng 2.540 m2 chuồng nuôi lợn đúng quy chuẩn và các hạng mục công trình phục vụ như: Điện, nước, đường nội bộ, hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng...
Đầu tháng 10/2016, HTX đầu tư 1,4 tỷ đồng nhập 9 con lợn rừng đực hậu bị, 170 con lợn rừng nái giống hậu bị thuần chủng Thái Lan, 100 con lợn rừng thương phẩm giống thuần chủng Thái Lan về nuôi, 30 con lợn nái hậu bị giống lợn hương Cao Bằng để lai tạo với giống lợn rừng Thái Lan.
Toàn bộ quá trình chăn nuôi trong trang trại của HTX được thực hiện theo quy trình hữu cơ, công tác phòng, chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu. Để đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho đàn lợn, HTX bố trí 3 ha để trồng cỏ voi, sắn, bắp cải, rau lang, trồng cây thuốc nam và xây 1.000 m2 bể để nuôi giun quế bổ sung thức ăn xanh, đạm và làm phong phú thêm nguồn dinh dưỡng cho đàn lợn.
Trung bình mỗi năm, HTX xuất ra thị trường hơn 30 tấn lợn thương phẩm, thu về hơn 1,4 tỷ đồng. Do chất lượng lợn thương phẩm xuất ra thị trường bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm nên được các siêu thị lớn tại Hà Nội, Thái Nguyên rất ưa chuộng đặt mua.
Ngoài ra, HTX còn liên kết bao tiêu sản phẩm lợn cho nhân dân 2 xã Vân An, Cải Viên (Hà Quảng) theo hình thức HTX cung cấp lợn nái cho dân nuôi sau đó thu mua lợn con, lợn thương phẩm cho dân, trung bình thu 6 - 7 tấn lợn thịt/năm.
Nhằm giúp các thành viên liên kết được sản phẩm thịt lợn đen đến thị trường, HTX đã đứng ra ký kết hợp đồng hợp tác với các nhóm CIG tại xã Vân An huyện Hà Quảng. HTX ký kết hợp đồng chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm thịt lợn đen giữa trưởng nhóm và 3 thành viên nhóm CIG Lũng Rẩu, Nặm Đin, Nhỉ Đú với 100 hợp đồng hợp tác giữa người dân và HTX.
![]() |
Chị Lý Thị Nga và mô hình trang trại chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ |
Điển hình tiên tiến
Năm 2018, HTX phối hợp với Ban điều phối Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng cung cấp miễn phí lợn đực giống chất lượng cao; cung cấp thức ăn chăn nuôi đạm, giun quế cho các hộ chăn nuôi; cung cấp lợn nái rừng, lợn con rừng nuôi thương phẩm bảo đảm chất lượng cho các hộ chăn nuôi; chịu trách nhiệm vận chuyển lợn giống đến gần địa điểm nuôi lợn nhất; hỗ trợ tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi; tư vấn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho lợn; giám sát quy trình chăn nuôi của các hộ. Đồng thời, HTX cam kết thu mua lợn thương phẩm theo giá cả thị trường tại thời điểm thu mua.
Đến nay, HTX đã xây dựng trang trại nuôi lợn đen bản địa trên 300 con, nuôi giun quế, gà siêu trứng, vịt, trồng hơn 1.000 cây ăn quả, 16.000 cây keo, quản lý gần 10 ha rừng, chế biến sản phẩm từ thịt lợn như thịt hun khói, lạp sườn thương hiệu, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Là đầu tàu dẫn dắt, chị Nga có vai trò tiên phong trong gắn phát triển HTX theo mô hình chuỗi liên kết giữa HTX và hộ gia đình chăn nuôi lợn đen địa phương tại xã Vân An, thu hút nhiều hộ dân tham gia.
Chị Nga cũng thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ, động viên kịp thời những thành viên có điều kiện hoàn cảnh khó khăn về đời sống kinh tế. Vì thế, chị vinh dự là đại diện được tham dự Hội nghị biểu dương phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc năm 2016; nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Với những thành quả đạt được, HTX của chị Nga được Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng chứng nhận HTX điển hình tiên tiến toàn quốc; Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng công nhận đạt HTX điển hình tiên tiến của tỉnh.
Hoàng Lê