Các mô hình sản xuất nông nghiệp thể hiện tư duy mới, năng động trong sản xuất kinh doanh của những nông dân có kiến thức và ý chí làm ăn lớn chính là điểm tựa giúp xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa trở thành một trong những điểm sáng trong quá trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Đổi mới tư duy sản xuất
Điển hình sản xuất giỏi ở Đắk Nia có thể kể đến trang trại măng cụt Gia Ân rộng 20 ha của ông chủ Trần Quang Đông và trang trại sầu riêng Gia Trung rộng 60 ha của ông Nguyễn Ngọc Trung.
Cả hai cơ sở này đều ứng dụng hiệu quả công nghệ cao và nông nghiệp sạch, sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước. Giá trị sản xuất bình quân đạt 200-350 triệu đồng/ha/năm.
Tương tự, ở xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tư duy sản xuất của người nông dân cũng đang liên tục có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng an toàn sinh thái gắn với chuỗi giá trị gia tăng.
Sản xuất theo hướng an toàn sinh thái giúp nông dân Đắk Nông nâng cao thu nhập (Ảnh: BĐN). |
Đơn cử, gia đình chị Nguyễn Thị Cường, xã Nam Bình, đang phát triển vùng sản xuất hơn 1.500 trụ hồ tiêu. Để nâng cao giá trị canh tác, chị Cường áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ cho vườn tiêu của gia đình.
Cụ thể, chị sử dụng phân hữu cơ được ủ từ phân bò, đạm cá bón cho cây tiêu; sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh và để cỏ trong vườn để tạo độ ẩm cho đất; sử dụng trụ sống cho cây tiêu.
Chị Cường cho biết, cách canh tác này giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho bản thân. Mỗi năm, gia đình chị tiết kiệm được khoảng 10% các chi phí từ chế phẩm phòng trừ sâu bệnh, phân bón cho cây tiêu. Sản phẩm sau thu hoạch có thể bán được với giá cao hơn 20-25% so với cách sản xuất thông thường.
Sự chuyển biến trong tư duy sản xuất của người dân tại các địa phương đang giúp ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông gặt hái những thành công ấn tượng. Toàn tỉnh hiện có gần 170 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích được chứng nhận trên 25.333 ha. Trong đó, khoảng 2.071,59 ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 464,5 ha áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ; trên 22.797 ha áp dụng các tiêu chuẩn khác như 4C, UTZ, Rainforest Alliance, Flo…
Điểm nhấn từ kinh tế hợp tác
Một điểm nhấn đáng chú ý trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng ở Đắk Nông là những đóng góp tích cực của các HTX, tổ hợp tác, đặc biệt là trong phát triển sản phẩm đặc trưng thế mạnh ở từng vùng, qua đó gia tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu cho nông dân.
Điển hình, hoạt động trên địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực ở bon Đăk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã liên kết với 120 hộ đồng bào dân tộc M'nông để trồng cây mắc ca. Sự hợp tác này đã tác động rất lớn đến đời sống cho người dân trong vùng.
Mỗi năm, HTX thu mua khoảng 80 tấn mắc ca tươi. Sản phẩm hạt mắc ca Mơ Nông của HTX tuy mới ra mắt được hơn một năm, nhưng bước đầu được thị trường đón nhận. Hiện tại, HTX đã mở 6 cửa hàng tại Đăk Nông và các thị trường lớn như Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM.
Các HTX đang đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở Đắk Nông (Ảnh: BĐN). |
Tương tự, HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông, ở xã Trường Xuân (Đắk Song), hiện đang sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản hữu cơ.
Theo tính toán của HTX, với phương pháp này, nông dân đã giảm chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng/1ha đối với cây cà phê, hồ tiêu. Ngoài tạo môi trường canh tác an toàn, các nông sản thu hoạch theo cách làm này được HTX mua với giá cao hơn giá thị trường.
Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết sản xuất sạch giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường là mục tiêu mà toàn tỉnh đang hướng tới. Do đó, ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất bảo vệ môi trường cho nông dân, HTX, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung nguồn lực từ phía các HTX, doanh nghiệp, liên kết với nông dân triển khai các mô hình, dự án xử lý chất thải, thuốc bảo vệ thực vật. Khuyến khích bà con sử dụng các vật tư đầu vào tiên tiến theo hướng hữu cơ để giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật
Bên cạnh thúc đẩy nông nghiệp xanh, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đang chủ động thúc đẩy công nghệ cao vào sản xuất. Điển hình, trong phát triển cây cà phê, tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ các HTX mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực chế biến, bảo quản sản phẩm.
Như tại HTX Công Bằng Đắk Ka (huyện Đắk R’lấp), sau 4 năm hoạt động, HTX đã đầu tư sản xuất, chế biến cà phê chất lượng cao một cách bài bản. Ngoài việc chăm sóc cà phê theo hướng đặc sản, HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng 1.000m2 nhà kính để phơi sấy và các máy móc rang xay hiện đại.
Sản phẩm của HTX được Viện Chất lượng cà phê thế giới (CIQ) đánh giá đạt thang điểm 80 trở lên. Sản phẩm của HTX cũng đạt OCOP hạng 3 sao.
Anh Trần Văn Phú, Giám đốc HTX Đắk Ka cho biết, trong 3 năm qua, HTX thuê nhân công lựa mỗi tấn cà phê với chi phí 3 triệu đồng. Vụ mùa này, HTX sẽ chế biến 100 tấn cà phê chất lượng cao và dùng máy bắn màu, tiết kiệm được khoảng 300 triệu đồng. Máy bắn màu có tính chính xác cao, công suất lớn, giúp kịp thời vụ, cà phê giữ được hương vị thơm ngon hơn.
Thành công trong phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, an toàn sinh thái, cùng với những đóng góp của các HTX, tổ hợp tác, đang giúp tỉnh Đắk Nông đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.
Đến cuối năm 2022, tỉnh Đắk Nông có 13.342 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,97% số hộ dân toàn tỉnh. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chung là 9.589 hộ, chiếm tỷ lệ 20,11%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 3.892 hộ, chiếm tỷ lệ 24,56%.
Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 16/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là 100% hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Lệ Chi