Đồng Tháp đang gặt hái nhiều thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp |
Nhiều điểm nhấn
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương của tỉnh đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Điển hình như trong sản xuất lúa gạo, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện 6 giải pháp kỹ thuật nhằm giảm chi phí trong sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với ATLĐ trên đồng ruộng, mở rộng mô hình cánh đồng lớn, đồng thời thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ…
Công tác kết nối sản xuất – tiêu thụ cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, sản lượng lúa gạo đã được các doanh nghiệp, HTX liên kết tiêu thụ tăng dần qua các năm. Việc liên kết tiêu thụ giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.
Cụ thể, lợi nhuận bình quân 1 ha sản xuất lúa trong vụ Đông Xuân ở Đồng Tháp đạt 13,1 triệu đồng, tăng 1,9 triệu đồng; vụ Hè Thu là 9 triệu đồng, tăng 340 nghìn đồng và vụ Thu Đông là 10,9 triệu đồng, tăng 2,3 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện thí điểm nhiều mô hình sản xuất lúa tiên tiến như sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với ATLĐ; “Ứng dụng công nghệ cao sản xuất lúa hữu cơ” trên 2 loại giống IR 50404 và VD 20, giảm 20% giá thành sản xuất, tăng phẩm chất hạt gạo... qua đó, giúp người nông dân tiếp cận được với khoa học - kỹ thuật, áp dụng phương thức sản xuất an toàn, đem lại lợi ích toàn diện về kinh tế và ATLĐ.
Trong quá trình phát triển và tạo nhiều bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang ghi dấu ấn đậm nét, phát huy vai trò dẫn dắt người nông dân phát triển sản xuất an toàn, hiệu quả, bền vững.
Sô liệu thống kê của tỉnh cho thấy tính đến tháng 10/2019, toàn tỉnh Đồng Tháp có 166 HTX nông nghiệp, trong đó, có 17 HTX được thành lập từ mô hình Hội quán nông dân; thu hút hơn 26.900 thành viên với tổng diện tích đất canh tác cung cấp dịch vụ hơn 58.000ha.
Nông nghiệp hiện đại gắn với ATLĐ sẽ đem lại hiệu quả bền vững |
Hiện đại hóa
Cùng với cây lúa, xoài là cây trồng được tỉnh Đồng Tháp chọn lựa là một trong 5 ngành hàng của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều mô hình về thực hành rải vụ đã được ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh ở 2 khu vực trồng xoài trọng điểm của tỉnh là TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh.
Sau 5 năm, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn và 6 mô hình canh tác xoài rải vụ đủ điều kiện sản xuất an toàn với tổng diện tích trên 416 ha, đến nay diện tích sản xuất rải vụ thu hoạch cả tỉnh đạt 6.300ha.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, các mô hình kinh tế chia sẻ, các trang mạng xã hội, các kênh thông tin online phục vụ kinh doanh, quảng bá sản phẩm nông nghiệp… đã mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nông dân Đồng Tháp.
Nếu như trước đây để mua được xoài giống, người dân phải đến tận nơi, thì nay chỉ với một lần click chuột sẽ dễ dàng mua được cây giống. Đây cũng đang là cách làm của HTX Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, với mô hình “Cây xoài nhà tôi”.
Từ hiệu quả của HTX Xoài Mỹ Xương, nhiều nhà vườn ở xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh cũng đã hình thành mô hình “Cây cam nhà tôi” nâng cao doanh thu cho người nông dân…
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp xác định vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là nông nghiệp 4.0. Vì vậy, tỉnh Đồng Tháp đã và đang chủ động phát triển sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ, kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp sáng tạo, hiệu quả.
Hạ Vi