Bình Sơn là xã miền núi, nằm cách trung tâm huyện Triệu Sơn khoảng 20 km về phía Tây. Với những điều kiện tuyệt vời về khí hậu, thổ nhưỡng, Bình Sơn có lợi thế đặc biệt trong phát triển kinh tế đồi, vườn, rừng, đan xen nông lâm nghiệp, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân.
Liên kết làm giàu
Những lợi thế về tự nhiên cùng chiến lược phát triển đúng hướng đã và đang giúp xã Bình Sơn gặt hái nhiều thành công với những đồi chè, rừng keo, rừng nguyên liệu giấy, cây ăn quả, cây dược liệu…
Trong số nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả, chè xanh đang được xác định là cây kinh tế mũi nhọn ở Bình Sơn. Kể từ năm 2016 đến nay, xã đã tích cực chuyển đổi các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc vùng nguyên liệu.
Chè VietGAP đang là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nhiều nông dân Triệu Sơn (Ảnh: BTH). |
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển cây chè, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn trở thành một trong những đơn vị đầu tàu trong liên kết, phát triển vùng chè sạch, quy mô lớn tại địa phương, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Chị Cao Thị Hoa, chủ đồi chè tại thôn Đông Tranh, chia sẻ trước đây, với tư duy manh mún, đời sống của đa số hộ trồng chè rất khó khăn. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi xã xác định cây chè trở thành cây trồng chủ lực, cùng với sự đồng hành của HTX trong việc tập huấn kỹ thuật cho người dân.
“Mọi quy trình sản xuất phải tuân theo khuyến cáo và hướng dẫn của HTX, ngay cả bón phân cũng phải lấy phân hữu cơ từ bã sắn do HTX cung ứng. Mọi khâu chăm sóc, chúng tôi phải tuân thủ để có sản phẩm an toàn, tạo uy tín, có đầu ra bền vững”, chị Hoa chia sẻ.
Sự thay đổi trong tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, đang giúp thu nhập của người trồng chè ở Bình Sơn ngày càng được nâng lên. Giá trị bình quân sản xuất chè trên địa bàn xã hiện đạt 150-250 triệu đồng/ha/năm, tùy theo giống chè.
Chuyển biến toàn diện
Đáng chú ý, với lợi thế có vùng chè sạch, cùng nhiều loại hoa trái tự nhiên, xã Bình Sơn chủ động phát triển thêm vùng nuôi ong mật. Đến nay, toàn xã đã có hơn 700 đàn ong, cho giá trị rất cao.
HTX Bình Sơn tiếp tục là “đầu tàu” phát triển vùng nuôi ong tại địa phương, với hơn 400 hộ liên kết. Nhờ giáp ranh với vùng lõi của các lâm trường, nguồn hoa rừng tự nhiên cho đàn ong rất phong phú, cộng thêm đặc điểm riêng của hoa chè nên mật ong Bình Sơn có chất lượng vượt trội.
Theo đại diện UBND xã Bình Sơn, nhờ kết hợp tốt giữa cây chè và nuôi ong, thế mạnh tự nhiên của xã Bình Sơn được nâng tầm rõ rệt. Giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích của xã hiện đạt trên 200 triệu đồng/năm. Trên 70% lao động của xã có việc làm từ việc chăm sóc và sơ chế chè, nuôi ong.
Triệu Sơn đang đẩy mạnh phát huy kinh tế rừng, vườn rừng để xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân (Ảnh: BTH). |
Không chỉ tại Bình Sơn, ở hầu hết địa phương trên địa bàn huyện Triệu Sơn đều đang diễn ra những cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất của người dân, tạo nên những thay đổi toàn diện trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Để hình thành, phát triển hiệu quả kinh tế các vùng sản xuất, huyện Triệu Sơn đã đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được xấp xỉ 3.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Đến nay, huyện đã tích tụ, tập trung được 1.051 ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu đã hình thành và phát triển được 6 vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trong các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, với diện tích 9.130 ha.
Điển hình như vùng sản xuất lúa có 6.400 ha thuộc vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng hiệu quả cao, năng suất bình quân đạt 68 tạ/ha. Vùng sản xuất rau an toàn, diện tích sản xuất rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô 50 ha tại 2 xã Tiến Nông, Dân Lực, sản lượng rau an toàn khoảng 1.500 - 2.000 tấn/năm.
Vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung, với quy mô 250 ha, tập trung tại các xã Hợp Lý, Vân Sơn, Hợp Tiến,... với nhiều chủng loại cây trồng mang thương hiệu, thế mạnh của huyện như đào cảnh, quất cảnh, hoa, cây cảnh, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Vùng sản xuất chè, với quy mô 300 ha tại xã Bình Sơn, năng suất chè khô đạt 0,8 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt 240 tấn...
Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 40 ha được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: mô hình sản xuất rau, dưa trong nhà lưới, nhà màng tại các xã Tiến Nông, Dân Lý, Thọ Dân, Minh Sơn; mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới và bón phân tự động ở các xã Hợp Lý, Thái Hòa...
Tạo đà bứt phá
Những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp giúp huyện Triệu Sơn liên tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội. Giai đoạn 2021-2023, toàn huyện có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% số xã); 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 53,1%, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 6,25%).
Dự kiến hết năm 2023, toàn huyện có 30 sản phẩm OCOP 3 sao (mục tiêu đến năm 2025 có 50 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên). Các loại sản phẩm này từng trưng bày ở nhiều triển lãm trong và ngoài tỉnh, có thị trường rộng mở, mang lại thu nhập vượt trội cho người nông dân.
Với những nền tảng đang có, để tiếp tục bứt phá trong thời gian tới, huyện Triệu Sơn dự kiến đẩy mạnh khôi phục, phát triển các HTX dịch vụ nông nghiệp để bảo đảm vai trò kết nối doanh nghiệp với người sản xuất. Huyện có cơ chế hỗ trợ để xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.
Huyện cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái tại xã Bình Sơn, làng cò Tiến Nông...; chế biến nông sản để làm thực phẩm chức năng, như: gạo đen, lạc Tây Ban Nha, mít Malaysia... Thực hiện có hiệu quả việc cải tạo vườn tạp để tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ dân.
Điều quan trọng nữa là huyện đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, quản lý, quảng bá sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản trên địa bàn. Gắn trách nhiệm của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn vào việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của huyện và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn...
Lệ Chi