Niên vụ 2023-2024, toàn huyện Gia Lộc triển khai trên 500 ha rau vụ Đông sớm, hầu hết các hộ sản xuất đều mừng vì năm nay được mùa được giá, tiêu thụ thuận lợi.
Tạo chuyển biến mạnh
Trên cánh đồng thuộc xã Đồng Quang, bà Lê Thị Mích, thôn An Thư, cho biết gia đình bà có gần mẫu ruộng thì tất cả đều triển khai trồng rau màu, vụ Hè Thu trồng từ tháng 3 đến giữa tháng 9, sau đó thì triển khai rau vụ Đông sớm.
Từ nhiều năm nay, rau vụ Đông sớm mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho nông dân trong xã Đồng Quang và cả huyện Gia Lộc. Năm nay, thị trường tiêu thụ thuận lợi do rau nhập từ Trung Quốc sang ít hơn. Thời tiết thuận lợi cho rau sinh trưởng, phát triển, mẫu mã rau đẹp hơn.
Rau vụ Đông sớm năm nay tiếp tục đem lại hiệu quả cao cho người dân ở Gia Lộc (Ảnh: BHD). |
“Với giá bán tại ruộng 8 triệu đồng/sào cải bắp, 9 triệu đồng/sào su hào, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 4-5 triệu đồng/sào, cao hơn từ 1-2 triệu đồng/sào so với năm trước”, bà Mích hồ hởi nói.
Dự kiến, vụ Đông năm nay, huyện Gia Lộc có khoảng 400ha rau màu được bao tiêu, tập trung tại các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã Lê Lợi, Đồng Quang, Phạm Trấn, Toàn Thắng, thị trấn Gia Lộc… Khoảng 100ha trong số đó được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều HTX còn triển khai mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP để hướng tới mục tiêu đưa nông sản xuất ngoại.
Không chỉ có rau vụ Đông sớm, lĩnh vực nông nghiệp huyện Gia Lộc những năm qua có sự chuyển biến toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, đất nông nghiệp bị thu hẹp.
Ðến nay, Gia Lộc đã hình thành 35 vùng chuyên canh rau, củ, quả và gần 50 vùng lúa chất lượng cao với tổng diện tích hơn 1.500 ha. Các vùng chuyên canh này đã góp phần đưa giá trị bình quân trên một ha đất canh tác trên địa bàn huyện đạt trên 200 triệu đồng/năm.
Điểm tựa từ liên kết sản xuất
Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Gia Lộc đã phát triển thành công một số mô hình sản xuất hiệu quả như vùng chuyên sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường; vùng trồng cây hoa đào, mỗi năm cho thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng/ha… giúp đời sống kinh tế của các hộ dân ngày càng được nâng cao.
Điển hình, HTX Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn) đang là một trong những HTX đi đầu trong làn sóng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với an toàn sinh thái trên địa bàn huyện Gia Lộc.
HTX đã xây dựng được 120.000 m2 nhà màng để sản xuất dưa chuột, dưa lưới; làm đầu mối bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tính đến thời điểm này, HTX có 174 thành viên. Năm 2022, HTX thu lãi gần 2 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong vùng.
Ngành nông nghiệp huyện Gia Lộc định hướng phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng (Ảnh: BHD). |
Ông Hoàng Anh Thư, đại diện HTX cho hay, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới góp phần giảm 70% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mang lại hiệu quả cao hơn 25 – 40% phương pháp thông thường. Đồng thời, phương pháp này giúp HTX đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, từ đó thu hút nhiều đối tác thu mua hơn.
Nhờ sản xuất sạch, nói không với hóa chất độc hại, sản phẩm của HTX Tân Minh Đức đều có tem truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu. HTX bao tiêu toàn bộ cải bắp nên nông dân rất phấn khởi, hăng hái sản xuất.
Cùng với Tân Minh Đức, HTX thủy sản Xuyên Việt (xã Hồng Hưng) cũng đang là một điểm sáng trong phát triển nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả cao trên địa bàn huyện Gia Lộc.
HTX đang có tổng diện tích ao nuôi lên tới 7ha, trong đó có 5ha ao nổi công nghệ Israel, đem lại doanh thu 5 tỷ đồng/năm. HTX hiện có 15 ao, gồm 3 ao nuôi cá thịt, 12 ao cá giống, các giống cá nuôi chủ yếu là cá rô phi chiếm 70 - 80%, còn lại là cá mè, trắm, chép…
Có thể thấy, các HTX đang đóng vai trò rất tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp huyện Gia Lộc trong những năm qua. Hiệu quả của các HTX cũng đang góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.
Cũng chính nhờ sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã góp phần đẩy nhanh tiến trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Gia Lộc. Theo UBND huyện Gia Lộc, đến cuối năm 2022, toàn huyện chỉ còn 676 hộ nghèo, giảm 297 hộ so với năm 2021, chiếm tỷ lệ 1,48% tổng số hộ trên địa bàn, giảm 0,64% so với năm 2021; trong đó 194 hộ có khả năng lao động (chiếm 28,7%), 482 hộ nghèo không có khả năng lao động (chiếm 71,3%). Huyện đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu giảm nghèo thành "đến năm 2025, giảm 4/5 số hộ nghèo (trừ hộ nghèo không có khả năng lao động)".
Đẩy mạnh công nghệ cao
Với những điểm tựa đang có, những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Gia Lộc đã chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, tự động hóa, công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Gia Lộc, để thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, huyện hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà màng, 50.000 đồng/m2 nhà lưới, mục tiêu là khắc phục được những bất lợi do thời tiết, hạn chế sâu bệnh hại, giảm chi phí, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nông sản được tiêu thụ thuận lợi, giá trị sản xuất đạt từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Nhờ mô hình nhà màng và hệ thống tưới tự động, nhiều nông dân đã thử nghiệm những cây trồng mới mang lại giá trị cao. Dưa chuột baby, cà chua cherry hay cải kale là những nông sản vốn chỉ thích hợp với khí hậu ôn đới nhưng cũng đã được "thuần hóa".
Ông Trần Văn Quang ở xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc cho biết mô hình nhà màng có thể sản xuất được từ 3-4 vụ/năm, giảm chi phí đầu tư, công lao động, tăng năng suất cây trồng gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường và đủ điều kiện để xuất khẩu.
Với diện tích 7.200m2 nhà màng, 1 năm trồng 3 vụ dưa lưới, dưa chuột, mỗi năm ông Quang thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Xã Phạm Trấn cũng là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhiều nhất tỉnh với khoảng 75.000m2 nhà màng.
Thời gian tới, bên cạnh nâng cao vai trò của HTX, huyện cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng theo hướng hàng hóa gắn với an toàn sinh thái.
Cùng với đó, huyện khuyến khích các HTX, doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nâng cao quy mô kinh tế hộ, đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường.
Lệ Chi