Đến với chứng khoán nhằm tích lũy thêm kiến thức thực tiễn về thị trường tài chính Việt Nam để phục vụ cho bài giảng, Quách Mạnh Hào đã nổi lên trong giới đầu tư với những nghiên cứu với góc nhìn rất riêng và tư vấn sắc sảo. Từ ý định chỉ làm để trợ giúp cho công việc giảng dạy, anh đã làm chính tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS) với vị trí Phó tổng giám đốc...
"Với công việc hiện tại, điều tôi mong muốn thay đổi nhất chính là quan điểm "chuẩn mực" của giới đầu tư. Thực tế, một quan điểm hôm nay có thể là chuẩn mực nhưng ngày mai lại không phải. Chuẩn mực nghĩa là không có chuẩn mực nào cả", anh chia sẻ.
"TLS cho tôi không gian sáng tạo"
"Chuyến về Việt Nam cuối năm 2006 đã giúp tôi nhận thấy cơ hội phát triển ở môi trường này (lúc đó anh Hào đang có công việc rất thuận lợi tại trường Đại học Birmingham, Anh quốc - PV) đang diễn ra rất tốt và tôi đã quyết định sẽ trở về nước làm việc, cho dù vợ tôi không thật sự ủng hộ ý tưởng này và đến giờ có lẽ cũng vẫn không thích lắm", anh cười lớn.
Anh Hào nhớ lại vào thời điểm cuối năm 2008, khi chính thức về nước, thị trường chứng khoán khá khó khăn và bản thân TLS cũng chưa phải công ty chứng khoán được nhiều người biết như bây giờ. Thế nhưng anh đã từ chối rất nhiều lời mời từ các công ty khác, các tổ chức quốc tế và trường đại học muốn hướng tới đào tạo chương trình quốc tế, để về với TLS. Quyết định đó có nhiều lý do, nhưng quan trọng hơn cả, theo anh là: "Thời điểm đó, TLS đang trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức và xây dựng chiến lược mới. Điều đó đã cuốn hút tôi. Tôi đã nghĩ là mình sẽ có cơ hội để phát triển và triển khai các ý tưởng, nói như một nghệ sỹ là có không gian để sáng tạo".
Khi đó, anh quan sát và nhận thấy một thực tế tồn tại ở Việt Nam là những kiến thức học từ nước ngoài thường được áp dụng một cách máy móc và dừng lại ở một điểm nào đó rồi coi là chuẩn mực, trong khi tư duy của người phương Tây là khuyến khích sự sáng tạo. "Để góp phần thay đổi được quan điểm này, nghĩa là cần truyền cảm hứng cho những sự sáng tạo, môi trường thích hợp nhất là kết hợp giữa kiến thức học đường và và thực tế thị trường. TLS là môi trường thích hợp và đó là lý do tại sao tôi gắn bó với TLS", anh tâm sự.
![]() |
![]() |
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán lúc đó, Hội đồng quản trị cũng như Ban giám đốc TLS luôn có sự trao đổi thường xuyên, và một trong những câu hỏi thường trực trong các cuộc họp tại thời điểm đó là: TLS sẽ ở đâu trong thời gian tới? Nhiều ý kiến, nhiều tranh luận đã diễn ra trong các phòng họp nghiêm nghị cũng như cả tại các… quán bia hơi (!), và cuối cùng thì hai thay đổi quan trọng đã được thống nhất và đồng lòng, đó là: chính sách dành cho môi giới và chính sách liên quan tới nhân sự. Hai chính sách này phục vụ cho mục tiêu mà CEO của TLS đặt ra là phải có thị phần tốt trong lĩnh vực bán lẻ.
"Quả thực là tôi cũng không thể nhớ hết được những gì đã được thảo luận và những ai trao đổi ý kiến, nhưng những gì TLS được thị trường biết tới ngày hôm nay (dẫn đầu thị phần môi giới trong hai năm 2009 và 2010 - PV) là cả một quá trình vừa lấy ý kiến, vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm… Và thật may mắn là tôi cũng là một trong số hơn 600 cán bộ nhân viên của TLS tham gia vào quá trình liên tục đó", anh nhớ lại.
Theo cách anh nói, việc nhiều người biết tới TLS và biết tới anh là "một sự kết hợp tình cờ" và "đơn giản chỉ vậy thôi" nghe có vẻ nhẹ nhàng. Nhưng trên thực tế, theo nhìn nhận của phần đông các nhà đầu tư thì việc TLS nổi lên có sự đóng góp không nhỏ từ bộ phận nghiên cứu do anh phụ trách, với các sản phẩm được nhiều người ghi nhận là đã mang lại "làn gió mới" như Tạp chí Nhà đầu tư (The Investor Journal) và bản tin hàng ngày My Technical View (MTV) nhận định.
Theo thời gian, cách tiếp cận của anh và TLS về thị trường cũng thay đổi, đúng như những gì anh trao đổi là "chuẩn mực hôm qua có thể không còn là của hôm nay nữa". Hiện tại, những nghiên cứu và tư vấn của TLS đã gần như gắn liền với thị trường, tới trực tiếp khách hàng thông qua các cán bộ môi giới. Đều đặn hàng tuần, anh ngồi họp, trao đổi ý kiến với các cán bộ môi giới để nắm bắt nhu cầu nhà đầu tư, chia sẻ quan điểm và nắm bắt tâm lý thị trường.
Anh tâm sự do công việc liên quan nhiều tới việc nghiên cứu để áp dụng những kiến thức đã được học, nên ban đầu, anh cũng mày mò áp dụng những mô hình đã học được ở chỗ này chỗ kia, nhưng dần dần, nhận thấy việc áp dụng chúng một cách máy móc gần như không mang lại hiệu quả thiết thực. Sau đó, anh chuyển hướng và đi tìm trên thị trường Việt Nam những điểm khác biệt, nổi bật và đặc trưng để từ đó xây dựng những cách tiếp cận cho riêng mình.
![]() |
![]() |
"Quất Mạnh Vào hả chú?"
Anh giải thích về phương pháp nghiên cứu thì cả "tây" và "ta" đều giống nhau, nhưng sự khác nhau là ở chỗ sau mỗi lần sai thì mình phải tìm được lý do và từ đó tìm nhân tố có độ tin cậy cao hơn. Cũng vì xác định đây là nghề nghiệp của mình nên việc sai, sửa sai là công việc thường xuyên, thậm chí có những nhân tố năm nay là quan trọng nhưng năm sau thì chưa chắc.
"Chẳng hạn như năm ngoái, nhà đầu tư thích các cổ phiếu có nhiều người tham gia, những cổ phiếu mang tính chất đầu cơ, hoặc gọi nghe chuyên nghiệp hơn thì là "cổ phiếu theo đà", nhưng rất có thể năm tới họ lại không thích những cổ phiếu như vậy nữa. Cùng một nhân tố tác động nhưng năm nay khác, năm sau cũng khác, đó là chưa kể đôi khi chúng ta xác định sai nhân tố chi phối hành vi", anh dẫn chứng.
Cũng từ khi về TLS mà anh có biệt danh "Quất Mạnh Vào". Tên này có ý nghĩa với nhiều nhà đầu tư. Anh không nhớ biệt danh này xuất hiện từ khi nào, chỉ nhớ là vào thời điểm khoảng giữa năm 2009, một vài nhà đầu tư của TLS muốn có lời khuyên, và ở thời điểm đó người ta đã hỏi anh là "Quất Mạnh Vào hả chú?". Có lẽ việc luôn khuyến nghị nhà đầu tư mua tại thời điểm chính trước đó là lý do để mọi người truyền tai nhau và gọi anh là "Quất Mạnh Vào", nghe cũng khá… vần với tên thật!
Nói về việc phân tích và nhận định thị trường, anh cũng thẳng thắn chia sẻ là không phải bao giờ điều mình nhận định cũng diễn ra đúng như thế. Vì vậy, không ít nhà đầu tư hành động theo những nhận định của anh đã trúng quả đậm hay phải trải qua những đêm mất ngủ vì thị trường vẫn giảm giá mạnh. Nói vậy để thấy những rủi ro trong nghề nghiệp. Thực tế, các nhà đầu tư luôn coi những dự báo, dự đoán về thị trường chỉ mang ý nghĩa thông tin tham khảo. Nhưng đối với người phân tích, việc nhà đầu tư quan tâm tới những gì mình viết cũng có nghĩa là những suy nghĩ của mình là đáng để đọc.
Anh cho biết với nhà đầu tư tổ chức, việc khuyến nghị thường ổn định và mang tính xu thế, vì phần lớn chiến lược của họ là mua và giữ. Còn với các nhà đầu tư cá nhân chạy theo thị trường, theo diễn biến hàng ngày thì những lời khuyên cũng phải chi tiết và nhanh hơn. Vì vậy, cách tiếp cận cũng phải thay đổi. Thay vì những nhận định công khai như trước đây, TLS đã thay đổi cách tiếp cận theo hướng những lời tư vấn mang tính chất riêng tư. Như vậy, chỉ những khách hàng của TLS mới là những người được hưởng các dịch vụ tư vấn đó thông qua đội ngũ môi giới. Vì lý do này mà theo anh, nhà đầu tư cá nhân luôn luôn là động lực của thị trường. Nhà đầu tư tổ chức giúp tạo ra xu hướng, còn nhà đầu tư cá nhân tạo ra các sóng của thị trường.
![]() |
![]() |
"Tôi vẫn nghiên cứu"
Mặc dù đã chuyển hẳn sang làm kinh doanh và công việc giảng dạy chỉ còn là việc phụ nhưng anh Hào cho rằng mình là dân nghiên cứu: "Tôi luôn nghĩ mình là một người làm nghiên cứu chứ không phải là dân kinh doanh thứ thiệt và vẫn gắn bó với công việc giảng dạy khi thời gian cho phép. Mỗi khi có dịp chia sẻ với các bạn sinh viên về những kinh nghiệm và kiến thức mình học được trong thực tế hàng ngày, tôi cảm thấy đó là một niềm hạnh phúc".
Anh cũng kể rằng khoảng hơn một năm trước, giáo sư hướng dẫn của anh có gửi email tỏ ra không vui về cậu học trò của mình: "Hào, tôi biết là cậu sẽ làm tốt. Nhưng tôi rất tiếc vì cậu đã bỏ nghiệp nghiên cứu để đi làm kinh doanh. Sự nghiệp nghiên cứu của cậu như vậy là đã chấm dứt rồi phải không?". Và anh đã trả lời "Không, em vẫn đang làm nghiên cứu. Nhưng đúng là nghiên cứu của em bây giờ mang tính để hành động, chứ không đăng tạp chí được". Anh vẫn giữ liên lạc và trao đổi với thầy của mình về những vấn đề liên quan tới kinh tế Việt Nam.
Anh tâm sự khi đã quyết tâm học để lấy bằng tiến sỹ thì ai cũng có tố chất về nghiên cứu và giảng dạy. Niềm vui lớn nhất của anh là có thể chia sẻ những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm của mình cùng mọi người, đặc biệt là các em sinh viên, bởi "Tôi mới trải qua và biết họ thiếu những gì". Nhưng tại thời điểm này, khi thời gian và tiền bạc chưa cho phép, anh ưu tiên việc kiếm tiền trước, công việc nghiên cứu và giảng dạy sẽ giảm đi.
"Biết đâu đó, đến thời điểm thích hợp, khi thời gian và tiền bạc không còn phải suy nghĩ nhiều thì tôi lại ưa thích một công việc nghiên cứu và giảng dạy nhiều hơn. Thực sự trong thâm tâm, tôi vẫn muốn tập trung vào nghiên cứu để có những sản phẩm được khách hàng và xã hội chấp nhận", anh chia sẻ.
Họ và tên: Quách Mạnh Hào Chức vụ: Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nghiên cứu của TLS. Quá trình làm việc: Gia nhập TLS từ Hãng tư vấn Giải pháp tài chính cộng đồng - một hãng tư vấn thuộc Đại học Salford - Manchester (Anh); từng làm việc tại các trường đại học: Havard (Mỹ), Birmingham, Liverpool (Anh), Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội…; tham gia vào các dự án nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Hoàng Gia Scotland, Ngân hàng Barclays, PricewaterhouseCoopers và nhiều các tổ chức phi chính phủ khác. Học vấn: Bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Tài chính của Trường Đại học Birmingham (Anh). |
Minh Huệ
(Xuân Tân Mão 02/2011)