Thế nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công của nữ giám đốc HTX này là cả một câu chuyện, một quá trình vất vả tìm hướng thoát nghèo. Đó là hành trình dài xa ra gia đình, sang Đài Loan (Trung Quốc) làm giúp việc trong trang trại rau, để rồi nhiều năm sau đem những kiến thức, kinh nghiệm trồng rau xứ người về quê hương, mở ra hành trình khởi nghiệp của mình.
Sang Đài Loan học cách làm nông dân công nghệ
Chị Cuối kể, lập gia đình khi kinh tế còn khó khăn, năm 2000 chị đành phải đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan để có nguồn thu nhập cho gia đình. May mắn, chị được vào làm việc tại một trang trại trồng rau sạch công nghệ cao ở Đài Loan và choáng ngợp với quy trình sản xuất rau cũng như thu nhập “khủng” của ông chủ.
Chị Đặng Thị Cuối sử dụng sản phẩm rau sạch của mình ngay tại trang trại. Ảnh Int |
Chị nhớ lại, tại nơi làm việc của mình ở Đài Loan, đó là một mảnh đất hơn 1 ha đất vườn, áp dụng tiến bộ khoa học và đầu tư công nghệ cao vào trồng rau theo quy trình khép kín. Nó khác xa so với những gì chị vẫn thấy và nghĩ về nghề trồng rau.
Chẳng hạn, nước tưới rau phải đưa qua máy lọc, trước mỗi mùa vụ đất đai được "khò" qua lửa để diệt sạch mầm bệnh. Phân gà được ủ trên 6 tháng cho chết hết ký sinh trùng rồi mới được đem bón cho cây…
“Tôi nhận thấy rõ hiệu quả lớn của sản xuất rau hữu cơ ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Từ đây tôi nung nấu ý định sẽ mang những công nghệ này về quê nhà sản xuất rau hữu cơ ", chị Cuối chia sẻ.
Cuối cùng, sau nhiều năm vất vả nơi đất khách quê người, chị Cuối đã tích lũy đủ kiến thức và vốn liếng, sẵn sàng hiện thực hóa giấc mơ về trang trại rau hữu cơ của người Việt, do người Việt làm chủ ngay chính trên mảnh đất quê hương.
Đáng nói, thời điểm chị về nước lập nghiệp, việc có được mớ rau sạch thực sự là "xa xỉ", bởi đâu đâu đất đai cũng bị ô nhiễm, người sản xuất rau sử dụng vô tội vạ các loại thuốc bảo vệ thực vật mua trôi nổi trên thị trường để tưới, kích thích rau phát triển.
Nhìn thấy cảnh đồng đất quê hương rộng lớn nhưng lại không thể tìm được mớ rau sạch đúng nghĩa, chị quyết định khởi nghiệp thông qua việc thành lập HTX sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý với 9 thành viên, trên tổng diện tích canh tác 5ha.
Thế là bao nhiêu tiền tích cóp được trong những ngày lao động cực nhọc ở Đài Loan được chị Cuối đầu tư “tất tay” vào trang trại rau. Những khung sắt được dựng lên, hạt mầm gieo xuống, đất không phụ lòng người, chẳng mấy chốc cánh đồng rau 5ha của HTX bạt ngàn màu xanh. “Người ta đi xuất khẩu lao động gửi tiền, vàng về, còn tôi lỉnh kỉnh gửi về những kiện hàng to đùng, mở ra chỉ toàn bạt nylon, dây buộc, dây chằng, khung sắt”. Chị Cuối kể về những ngày đầu khởi nghiệp của mình.
Làm nông không phụ thuộc vào… “ông Trời”
Một trong những bí quyết thành công của HTX Cuối Qúy đó là sản xuất rau hoàn toàn dựa vào những quy trình khoa học, chuẩn an toàn từ khâu làm đất, chọn giống đến quy trình chăm sóc. Đặc biệt, nhờ đầu tư hệ thống nhà lưới, hoạt động sản xuất của HTX thuận lợi hơn rất nhiều do không còn quá phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. HTX đầu tư hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước và điều tiết nhiệt độ.
Nhờ sử dụng công nghệ sản xuất rau an toàn, hiện đại, sản phẩm rau sạch của HTX Cuối Quý luôn được thị trường đón nhận, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ảnh Int |
Theo chị Quý để có được rau sạch từ nhà màng, phải tuân theo nhiều quy trình, phải chăm sóc sao cho cây có sức đề kháng tốt nhất chống sâu bệnh. Nước phải sạch, không khí sạch, đất trồng cũng sạch. Bên cạnh đó, áp dụng nghiêm ngặt hình thức canh tác “5 không”, đó là: Không phun thuốc diệt cỏ; Không phân bón hóa học; Không thuốc BVTV; Không kích thích tăng trưởng; Không giống biến đổi gen nhằm bảo vệ môi trường và “giữ chân” thiên địch.
Một bí quyết trừ sâu hiệu quả nữa của HTX Cuối Qúy đó là bắt sâu, ngâm ủ hoại tử với chế phẩm sinh học để tạo thành phân tưới vi sinh cho cây, sâu “uống” dung dịch này cứ thế yếu dần và chết
“Trước khi trồng chúng tôi kỳ công đem bình gas cùng vòi phun lửa ra khò qua đất một lượt để diệt mầm bệnh, bỏ phân, trộn đều rồi khò thêm một lượt nữa rồi mới trộn với phân gà ủ hoai mục để trồng rau. Nước được lọc thật sạch rồi mới bơm vào hệ thống tưới.", chị Cuối cho biết.
Tất cả những kinh nghiệm học hỏi được trong thời gian lao động ở Đài Loan chị dồn cả vào trang trại, đồng thời “cầm tay, chỉ việc” cho các thành viên trong HTX. Đến nay, ngoài canh tác các loại rau theo mùa, HTX còn trồng đa dạng các loại rau củ trái mùa, có giá trị kinh tế cao như su hào, măng tây, bông hẹ, cải bắp tí hon…
Đặc biệt hiện nay, HTX đang sử dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội để tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm. Đây được xem là một trong những thành công của HTX. Khoảng một năm gần đây HTX Cuối Quý đã quảng cáo các sản phẩm của mình thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... và sự giới thiệu, quảng bá của Hội LHPN xã, huyện.
Trong nhiều năm qua thương hiệu rau hữu cơ của HTX Cuối Qúy đã nổi tiếng khắp trong ngoài, thành phố Hà Nội. Trên mỗi bó rau được đóng gói, khách hàng chỉ cần cầm điện thoại thông minh quét mã vạch là có thể biết được địa chỉ, quy trình sản xuất...
Đến nay, sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, chị và các thành viên HTX đã trồng 5 ha rau hữu cơ và có 17 sản phẩm rau hữu cơ được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp Thành phố. Phía trước, 'con đường' sản xuất rau an toàn, áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến vẫn đang rộng mở với chị Cuối và các thành viên HTX Cuối Quý.
Trà My