Đăk Lăk hiện có trên 6.790 doanh nghiệp, HTX đang hoạt động, thu hút khoảng 108.650 lao động. Để bảo đảm an toàn lao động, giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tăng cường kiểm tra
Hàng năm, Ban Chỉ đạo về an toàn vệ sinh lao động của tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng các phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATLĐ, PCCN.
Nhằm đẩy mạnh công tác ATLĐ trên địa bàn, công tác kiểm tra (định kỳ và đột xuất) được các cơ quan chức năng địa phương thực hiện thường xuyên tại các tổ chức, doanh nghiệp, HTX. Mục đích của việc làm này là đôn đốc, chấn chỉnh và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các nội quy, quy định về ATLĐ, PCCN; phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục.
Các hoạt động tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATLĐ được doanh nghiệp tổ chức định kỳ |
Nhờ đó, các tổ chức, doanh nghiệp, HTX đã chủ động nắm bắt và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động về ATLĐ, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định, có biện pháp xử lý nghiêm đối với người lao động vi phạm quy định về ATLĐ. Các đơn vị, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn cũng đã được hướng dẫn xây dựng và niêm yết các quy trình vận hành an toàn trên từng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất có nguy cơ gây cháy nổ, mất ATLĐ.
Ngành điện là một trong những ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao do tính chất công việc phức tạp và nguy hiểm. Tại công ty Điện lực Đăk Lăk quản lý vận hành lưới điện 35 kV nằm phân tán trên 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố, công việc bảo dưỡng thiết bị điện, xử lý sự cố rất phức tạp.
Công ty định kỳ tổ chức các hoạt động bảo đảm ATLĐ ở các khu vực sản xuất với nhiều hình thức và nội dung thích hợp như: Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn lao động và rút kinh nghiệm phòng ngừa; thu thập các thông tin cần thiết về tình hình chấp hành quy phạm quy trình, việc sử dụng và quản lý các phương tiện bảo vệ cá nhân; tập hợp các vướng mắc, các ý kiến đề xuất của người lao động… Nhờ đó, điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện, sức khoẻ được bảo vệ… góp phần ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Nâng cao hiệu quả ATLĐ
Là HTX du lịch “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam có đàn voi nhà làm du lịch đông nhất, nổi tiếng trong và ngoài nước, HTX Du lịch Buôn Jun (huyện Lắk) đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho thành viên cũng như cho du khách. Khách đến tham quan, du lịch được hướng dẫn về cách mặc áo phao khi đi thuyền độc mộc và cách lên xuống voi, cảnh báo khách không đến quá gần voi để chụp ảnh; chuẩn bị các bình chữa cháy để tại các nhà sàn lưu trú. HTX luôn giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm, chế biến, phục vụ các món ăn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
HTX Buôn Jun bảo đảm an toàn cho thành viên và du khách |
Nhờ làm tốt công tác bảo đảm ATLĐ cho thành viên và du khách tham quan, mỗi tháng, HTX đón từ 1.000 đến 1.500 lượt khách du lịch, trong đó có trên 50% là khách nước ngoài. Mỗi lượt chở khách du lịch với thời gian từ 1 đến 1,5 giờ đồng hồ, chủ voi thu được 200.000-250.000 đồng và bình quân mỗi con voi mang lại thu nhập cho thành viên 6-8 triệu đồng/tháng trở lên.
Bà Vũ Thị Mỹ Phượng - Phó trưởng Phòng Việc làm - An toàn Lao động, Sở LĐ – TBXH tỉnh Đắk Lắk, cho biết thời gian tới, tỉnh Đăk Lăk tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATLĐ; tuyên truyền, giáo dục phổ biến, huấn luyện tư vấn và hỗ trợ về ATLĐ, nâng cao chất lượng và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngành nghề nông thôn, các mô hình HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Thực hiện việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác ATLĐ trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động; giảm tần suất lao động xuống dưới 5%.
Thu Huyền