Nghề sản xuất hương xạ truyền thống đang giúp cho người dân Cao Thôn ăn nên làm ra, đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, nghề “kiếm ăn” của người dân cũng đang gây ra những vấn đề đáng lo ngại.
“Mặt trái” của sự phát triển
Nghề làm hương ở Cao Thôn đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Không chỉ có thị trường tiêu thụ tại khắp các tỉnh thành trên cả nước, hương xạ Cao Thôn còn mở rộng thị trường ra nhiều nước láng giềng, với các thương hiệu nổi tiếng như hương Quảng Thái, Vạn Hoa (Hà Nội), Đồng An Mỹ (Hải Dương), Hồng Phúc (Huế), Đồng An Xương (Tp.HCM),….
Theo thống kê, Cao Thôn hiện có khoảng 200 hộ sản xuất và kinh doanh hương, cung cấp việc làm cho khoảng 1.000 lao động trong và ngoài địa phương. Sản lượng hương xạ bình quân đạt xấp xỉ 10 - 15 triệu bó/năm, doanh thu 5 - 7 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương.
Nghề sản xuất hương được duy trì quanh năm nhưng đặc biệt cao điểm vào các tháng Tết Nguyên đán. Sản xuất hương tại Cao Thôn có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là các xưởng sản xuất tại gia (hộ gia đình), cho thu nhập bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Đình Ngọc - Chủ tịch Hội Làng nghề hương xạ Cao Thôn, cho biết: “Nghề hương truyền thống là mũi nhọn kinh tế của địa phương, là nguồn thu nhập chính, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương. Hiện tại, làng nghề vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển”.
Đang có nhiều thành tựu về kinh tế, tuy nhiên, Cao Thôn cũng đang phải đối diện với nhiều “mặt trái” của làng nghè thủ công truyền thống. Trong đó, ô nhiễm môi trường chính là vấn đề nan giải nhất. Công nghệ sản xuất lạc hậu, máy móc thủ công, lao động sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Khảo sát tại Cao Thôn cho thấy, hầu hết các hộ làm nghề chưa có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, các chất thải được xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước, các khu vực quanh làng. Hầu hết các công đoạn đều làm thủ công, lao động làm nghề thiếu các trang thiết bị bảo hộ trong điều kiện môi trường ô nhiễm cao.
![]() |
ATLĐ và VSMT là những vấn đề nan giải tại Cao Thôn
Thay đổi để tiến lên
Bên cạnh những lo ngại về môi trường, vấn đề an toàn hóa chất ngâm tẩm trong quá trình sản xuất hương cũng đang gây không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng thôn Cao, chia sẻ: “Trong những năm gần đây, do áp lực cạnh tranh của thị trường, nhiều hộ sản xuất đã lạm dụng một số loại hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của hương xạ Cao Thôn”.
“Tuy nhiên, các trường hợp gian lận chỉ chiếm một bộ phận rất nhỏ (khoảng 10 - 15%) đã bị xử lý nghiêm khi phát hiện và vấn đề này cũng đang được các cơ quản quản lý giám sát và theo dõi đặc biệt. Còn lại, hương Cao Thôn vẫn là thương hiệu đáng tin cậy, vừa có độ bền, đẹp, vừa có hương thơm đặc trưng (không gây hại)…”, ông Hải nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Làng nghề hương Cao Thôn - ông Nguyễn Đình Ngọc, cho biết các cơ quan quản lý vẫn đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững thương hiệu hương xạ Cao Thôn. Các vấn đề về bảo vệ môi trường đang được quan tâm đặc biệt, với sự đầu tư mạnh cho hệ thống thoát thải quanh làng. Các khóa tập huấn nâng cao kỹ thuật, ý thức sản xuất của người dân được tổ chức. Các chương trình quảng bá thương hiệu tại các hội chợ cũng được đầu tư.
“Hội Làng nghề hương Cao Thôn đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để định hướng phát triển bền vững cho làng nghề. Bên cạnh phát triển về kinh tế, làng nghề cũng đang chú trọng đến các vấn đề an sinh và môi trường. Các sản phẩm luôn được kiểm tra chất lượng trước khi bán ra thị trường”, ông Nguyễn Đình Ngọc khẳng định.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề, làng nghề Cao Thôn cần phải được đầu tư thích đáng hơn để quy hoạch làng nghề với quy mô sản xuất tập trung, hiện đại hơn, từ đó đem lại hiệu quả cao hơn cho sản xuất. Để làm được điều này đòi hỏi sự bắt tay chặt chẽ từ Hội làng nghề, người sản xuất và chính quyền địa phương.
Văn Hiến