Sản xuất nấm hữu cơ thân thiện môi trường |
Với thời gian thu hoạch nhanh, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, đến nay, mô hình sản xuất của HTX đã mang lại hiệu quả kinh tế khá với lợi nhuận 450-480 triệu đồng/vụ. Bên cạnh đó, sản xuất nấm còn thân thiện với môi trường vì hầu như không có chất thải và tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp để phát triển sản xuất.
Đáp ứng nhu cầu thị trường
Với số vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng, HTX sử dụng để xây nhà trồng và đầu tư máy móc, như: Sàng rung, nồi hơi, máy thanh trùng, máy đóng bịch, xây cửa hàng giới thiệu sản phẩm, nhà kho, nhà ăn, nhà nghỉ cho công nhân và lắp đặt công nghệ tưới nhỏ giọt để tiết kiệm chi phí thuê nhân công.
Tuy mỗi loại nấm có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau nhưng HTX đều tuân thủ theo quy trình sản xuất nấm hữu cơ từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch đến vệ sinh khu vực trồng hằng ngày.
“Hiện nay, người tiêu dùng luôn lựa chọn các sản phẩm sạch và an toàn, nên HTX ưu tiên sản xuất nấm hoàn toàn theo phương thức hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, chất bảo quản hay thuốc kích thích sinh trưởng”- ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết.
HTX Phúc Thịnh là mô hình kinh tế duy nhất trên địa bàn xã Tiến Lợi triển khai mô hình trồng nấm với số lượng lớn. Loại nấm HTX tập trung trồng là nấm linh chi nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng.
Mỗi năm, trung bình HTX xuất bán 300 tấn nấm các loại, lợi nhuận đạt khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, sản phẩm nấm của HTX được xuất bán ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Không những thế, đây còn là điểm đến cho những người có đam mê nghề nấm chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác đầu tư. HTX còn sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân địa phương và các xã lân cận.
Lợi ích từ sản xuất hữu cơ
Không chỉ trồng nấm, HTX Phúc Thịnh còn cung cấp phôi, meo giống cho thành viên và bà con. Với đặc thù sản xuất hoàn toàn làm bằng phương pháp hữu cơ, ngay từ việc đặt phôi cũng được HTX tuân thủ theo phương pháp hữu cơ.
Nguyên liệu làm phôi gồm phân trùn quế phối trộn với mùn cưa, cám ngô, tro đốt từ vỏ trấu, vôi bột theo một tỷ lệ nhất định, sau đó đem đóng thành phôi và hấp thanh trùng trong vòng 8 tiếng, để nguội, cấy meo nấm linh chi.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, phân trùn quế và mùn cưa cho hàm lượng dinh dưỡng hữu cơ lớn. Chính vì vậy, khi dùng những nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ tự nhiên này, nấm sẽ có chất dinh dưỡng cao hơn.
Xung quanh khu trồng nấm được HTX che kín, bên dưới lát gạch men, trải bạt. Hệ thống kệ để gieo trồng nấm được làm toàn bộ bằng sắt tráng kẽm.
Ngoài sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, HTX còn trang bị hệ thống máy lọc nước, bể chứa nước, máy ozone, nhiệt kế để đảm bảo quá trình chăm sóc, phát triển của nấm. Tất cả các công đoạn trong quy trình sản nấm của HTX đều đảm bảo quy trình sản xuất hữu cơ, không có sự can thiệp của hóa chất hay thuốc bảo quản.
Việc sử dụng mùn cưa, vỏ trấu đốt thành tro đồng thời tiến hành quy trình sản xuất hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng mà còn góp phần tích cực bảo vệ môi trường bởi nguồn trấu, mùn cưa tại địa phương rất dồi dào.
Nhìn nhận về mô hình này, ông Phan Tấn Khế - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho rằng: “Đây là mô hình sản xuất hiệu quả từ HTX kiểu mới. Tôi cho rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sản phẩm của HTX ngày càng được khẳng định trên thị trường. Hoạt động của HTX còn tạo việc làm cho nông dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường địa phương”.
Như Yến