Trước đây, nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tại tỉnh Hà Giang, hầu như chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh, liên kết trong sản xuất hàng hóa. Thế nhưng, từ khi thành lập các HTX, họ đã dần thay đổi tư duy và nhận thức.
Liên kết sản xuất với người dân
Bò vàng là vật nuôi bản địa nổi tiếng của vùng cao nguyên đá Hà Giang. Giống vật nuôi này tập trung tại 4 huyện vùng cao gồm Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc và Yên Minh và hiện đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm bò vàng Hà Giang.
HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đại Dương, thị trấn Mèo Vạc đã có nhiều năm sản xuất các sản phẩm từ thịt bò để phục vụ khách du lịch.
Hiện nay, HTX thường xuyên duy trì nuôi 100 con bò giống bản địa và hỗ trợ các thành viên xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, nhằm duy trì ổn định nguồn nguyên liệu để sản xuất hơn 15 tấn thịt bò tươi mỗi năm. Từ nguồn thịt này, HTX đã đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm như: Thịt bò khô, giò bò, xúc xích bò, bò sốt vang.
![]() |
Việc liên kết của HTX đã giúp các gia đình hộ nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập để vươn lên thoát nghèo. |
Ông Lục Văn Dương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đại Dương cho biết, nuôi giống bò vàng Hà Giang, công đoạn chăm sóc không đòi hỏi quy trình kỹ thuật quá gắt gao, đặc biệt chúng chỉ cần ăn cỏ và bổ sung muối vẫn tăng trọng tốt. Bò được đồng bào vùng cao nuôi trong điều kiện môi trường tự nhiên, nên càng tăng thêm sự thơm ngon, bổ dưỡng.
Liên kết với các hộ chăn nuôi kinh doanh bò vàng, đến nay sản phẩm thịt bò của HTX Đại Dương đã được UBND tỉnh Hà Giang cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, được tiêu thụ ở các địa phương trong tỉnh và chuỗi siêu thị lớn tại Hà Nội, Hải Phòng. Nhờ đó, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho lao động là người địa phương.
Chị Lý Thị Thèn, thành viên HTX chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, sau khi nhận được bò của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đại Dương và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tôi sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt để bò nhanh lớn. Việc liên kết nuôi bò của HTX giúp các gia đình hộ nghèo không có điều kiện đầu tư mua bò giống có thêm việc làm, tăng thu nhập để vươn lên thoát nghèo”.
Phát huy thế mạnh địa phương
Mèo vạc là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hà Giang. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Tày, Nùng, Lô Lô… Mặc dù điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, nhưng huyện lại có lợi thế trong phát triển chăn nuôi gia súc.
Trong những năm qua, người dân huyện Mèo Vạc đã phát huy lợi thế của địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, dần đưa chăn nuôi trở thành ngành kinh tế chủ đạo của địa phương. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình của huyện Mèo Vạc đã có nguồn thu từ 120 – 150 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi gia súc.
Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, lãnh đạo huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo người dân tập trung xây dựng các mô hình chăn nuôi điển hình, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ chăn nuôi gia súc thả rông, nhỏ lẻ, sang hình thức chăn nuôi theo quy mô gia trại và đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi.
Anh Vàng A Lử, xã Pả Vi, cho biết, gia đình anh vừa bán một con bò trị giá 53 triệu đồng, thu lãi số tiền chênh lệch, so với lúc mua khoảng 23 triệu đồng.
Theo anh Vàng A Lử, ngày trước, để nuôi bò, gia đình anh phải cắt cỏ dại trên núi, lấy lá ngô cho bò ăn, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao. Dù anh và gia đình rất cố gắng nhưng vẫn không dư giả. Được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi của xã, huyện, tỉnh, của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, anh Lử mạnh dạn vay vốn 60 triệu đồng để trồng cỏ nuôi bò vỗ béo. Sau gần 3 năm, anh đã trả được hết nợ và có vốn mở rộng chăn nuôi.
Cách làm kinh tế của anh Vàng A Lử là, anh mua bò nhỏ hoặc những con bò gầy về vỗ béo, sau đó đem bán. Với khoảng 10 tháng nuôi vỗ béo, mỗi con bò anh bán lãi khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, chuồng nuôi gia đình anh duy trì 4-5 con liên tục. Thu nhập từ nuôi bò, sau khi đã trừ chi phí, gia đình anh thu được khoảng 50-80 triệu đồng/năm..
Cùng với bò vàng, lợn đen Lũng Pù cũng là vật nuôi giống bản địa quý hiếm của Hà Giang. Giống lợn đen Lũng Pù cũng tập trung chủ yếu tại 4 huyện vùng cao nguyên đá với tổng đàn hơn 160.000 con.
Quy trình chăn nuôi đơn giản, chi phí thấp là những ưu điểm nổi bật để lợn đen Lũng Pù trở thành lựa chọn hiệu quả cho bà con nông dân trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang phải đối diện với giá thức ăn tăng cao và giá lợn siêu nạc thương phẩm bấp bênh kéo dài.
![]() |
Huyện Mèo Vạc đã có hàng chục HTX, tổ hợp tác phát triển chăn nuôi gia súc theo quy mô tập trung nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. |
Anh Thèn Văn Dũng, Giám đốc HTX Tuấn Dũng, thị trấn Mèo Vạc một trong những HTX nuôi lợn đen Lũng Pù lớn nhất ở Hà Giang cho biết, giống lợn đen Lũng Pù thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và địa hình của địa phương nên ít dịch bệnh và dễ chăm nuôi.
Tuy nhiên, để vật nuôi bản địa phát triển tốt người dân phải thường xuyên nắm bắt thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, thời tiết, theo dõi dịch bệnh cho đàn lợn để tránh những tổn thất không đáng có. HTX hiện đang duy trì nuôi hơn 100 lợn nái sinh sản, 300 lợn thịt thương phẩm, hàng năm xuất bán ra thị trường khoảng 1.500 lợn giống chất lượng.
Chăn nuôi là nhiệm vụ trọng tâm để giảm nghèo
Nhờ phát triển chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong những năm qua, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các xã, thị trấn và người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa gắn với thị trường, nhằm nhân rộng các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê và lợn đen tại các địa phương có phong trào phát triển chăn nuôi nổi bật với mục tiêu đưa đàn trâu, bò của huyện lên hơn 27.000 con, 17.000 con lợn đen và gần 20.000 con dê với giá trị từ chăn nuôi gia súc đạt gần 29 tỷ đồng mỗi năm, chiếm trên 34,2% tổng giá trị trong ngành nông nghiệp của huyện.
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi hàng hóa, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và người dân đẩy mạnh công tác chọn lọc và nhân giống gia súc, đào thải các con giống thoái hóa, kém chất lượng; ưu tiên chọn các loại giống gia súc địa phương đạt tiêu chuẩn do đã thích nghi với các điều kiện thời tiết khí hậu; chỉ đạo người dân tập trung xây dựng chuồng trại kiên cố; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT vào trong quá trình chăn nuôi, nhất là công tác vệ sinh chuồng trại và phòng trừ các loại dịch bệnh trên đàn gia súc; vận động bà con nông dân tận dụng các diện tích vườn đồi mở rộng diện tích trồng cỏ và chuyển các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Huy Sắc, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Trong những năm qua, từ chủ trương của huyện và nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa và đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Nhờ đó, tổng đàn gia súc của huyện không ngừng tăng dần qua các năm. Hiện nay, trên địa bàn của huyện đã có hàng chục HTX, tổ hợp tác phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê theo quy mô tập trung, mỗi năm, cung cấp cho thị trường hàng trăm con trâu, bò.
“Có thể nói, trong những năm qua, chăn nuôi gia súc của huyện đã có nhiều khởi sắc và trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và là tiền đề quan trọng góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương”, ông Nguyễn Huy Sắc chia sẻ.
Đoàn Huyền